Theo thống kê của ngành Y tế, nguy cơ đột quỵ có thể tăng 10% khi nhiệt độ môi trường tăng 1 độ C. Nhiệt độ cao khiến tim đập nhanh và huyết áp tăng. Với người bị cao huyết áp, nếu không kiểm soát tốt sẽ dễ dẫn đến các biến chứng tim mạch nguy hiểm như đột quỵ, nhồi máu cơ tim…
Thời tiết nắng nóng ảnh hưởng như thế nào đến người bị tăng huyết áp?
Thời tiết miền Bắc đang bước vào những ngày nắng nóng đỉnh điểm của mùa hè khi nhiệt độ liên tục tăng cao, thậm chí lên đến 40 độ C. Nắng nóng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người dân, đặc biệt là những người có tiền sử tăng huyết áp.
Như trường hợp bà N.T.N có tiền sử tăng huyết áp, nhập viện tại BVĐK Tân Dân với triệu chứng ban đầu là tức ngực, khó thở.
Anh T.H.M – con trai bệnh nhân N cho biết: “Mấy hôm trước, mẹ tôi kêu đau ngực khó thở, tức nặng ngực trái lan đến vai trái. Ban đầu tôi nghĩ là bà bị đau dây thần kinh nên có ra hiệu thuốc mua thuốc giảm đau về cho mẹ uống. Uống xong bà đỡ nhẹ, nhưng sau đó đau lại, nên gia đình quyết định cho bà vào viện. Nhập viện thăm khám và làm các xét nghiệm chuyên sâu thì bác sĩ bảo mẹ tôi có hình ảnh nhồi máu cơ tim. Cũng may gia đình đưa bà vào viện kịp thời và được xử lý sớm. Hiện sức khỏe mẹ tôi đã ổn định.”
Theo các bác sĩ chuyên khoa nội Bệnh viện Đa khoa Tân Dân, thời tiết nắng nóng khiến cơ thể bài tiết nhiều mồ hôi nên mất đi một lượng nước lớn. Từ đó, làm giảm thể tích trong lòng mạch máu, độ kết dính trong máu tăng, dẫn đến những bệnh lý liên quan đến máu và làm tăng nguy cơ nguy hại cho não và tim.
Nhiệt độ cao khiến tim đập nhanh, huyết áp tăng, gây ảnh hưởng nặng nề đến những người bị tăng huyết áp. Bứt rứt, khó chịu, nhức đầu, chóng mặt… là những triệu chứng họ thường xuyên gặp phải khi tiếp xúc với môi trường nắng nóng. Nếu không kiểm soát tốt huyết áp sẽ dẫn đến các biến chứng về tim mạch như nhồi máu cơ tim, đau tim; biến chứng về não như nhồi máu não, đột quỵ, xuất huyết não…
Đặc biệt, khi nhiệt độ thay đổi đột ngột, người bị tăng huyết áp có nguy cơ bị tai biến cao hơn. Nắng nóng khiến nhiều người ngại vận động, chỉ muốn ở trong phòng bật điều hòa. Trời càng nóng lại càng chỉnh nhiệt độ điều hòa xuống thấp, nhất là khi mới ở ngoài trời nóng vào phòng.
Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột từ nóng sang lạnh khiến mạch máu vốn đang ở trạng thái giãn nở lập tức co lại, dẫn đến tăng huyết áp. Ngược lại, khi đang ở phòng lạnh mà đột ngột bước ra ngoài trời nắng nóng cũng rất nguy hiểm do huyết áp không ổn định, có thể hạ đột ngột.
“Đối với những bệnh nhân lớn tuổi và có tiền sử cao huyết áp, dấu hiệu bệnh không rõ ràng như các bệnh nhân trẻ và chưa mắc bệnh trước đó. Vì vậy, người nhà cần phải đặc biệt lưu tâm khi bệnh nhân có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.” – Bác sĩ Thái cho hay.
Chủ động phòng ngừa để tránh biến chứng nguy hiểm
Mối nguy hại đến từ thời tiết nắng nóng với người bị tăng huyết áp là rất nguy hiểm. Nó có thể đe dọa đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng người bệnh nếu không biết cách phòng ngừa và xử lý kịp thời.
Để hạn chế những biến chứng nguy hiểm do thời tiết nắng nóng, người cao huyết áp nên chủ động thực hiện các biện pháp ngăn ngừa sau:
Sử dụng thuốc đều đặn
Ths.BS Lê Đình Thái cho biết: “Nguyên tắc cơ bản và quan trọng nhất giúp kiểm soát huyết áp trong những ngày nắng nóng là người bệnh phải uống thuốc đều đặn theo chỉ dẫn của bác sĩ, không ngắt quãng, không bỏ thuốc và tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột. Bên cạnh đó, phải thường xuyên thăm khám để theo dõi chỉ số huyết áp cũng như các vấn đề khác của sức khỏe. Việc thăm khám cũng giúp phát hiện sớm nguy cơ biến chứng để chủ động điều trị kịp thời, nâng cao hiệu quả.”
Đặc biệt, với bệnh nhân cao huyết áp, khi có các triệu chứng như khó thở, hồi hộp trống ngực, đau tức ngực… trong những ngày nắng nóng thì cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và xử trí kịp thời, hạn chế nguy cơ tai biến, tránh để lại hậu quả nặng nề về sau.
Tăng cường tập luyện
Thời tiết nóng nực khiến người bị tăng huyết áp mệt mỏi, ngại vận động. Việc lười vận động lại không hề tốt với mạch máu của họ. Do đó, cần vận động thường xuyên hơn để giúp mạch máu co giãn và đàn hồi tốt, tăng tính bền của thành mạch máu.
Tuy nhiên, người bệnh cũng nên lưu ý chỉ tập luyện vào các buổi sáng sớm hoặc chiều muộn, khi nhiệt độ môi trường không quá cao và nên tập luyện theo chỉ dẫn của bác sĩ để tránh tập luyện quá cường độ, gây tác dụng ngược.
Điều chỉnh nhiệt độ hợp lý
Sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn là nguyên nhân gây nhiều vấn đề về sức khỏe. Trong những ngày nắng nóng, người bệnh không nên ở trong phòng điều hòa quá lâu, không nên để nhiệt độ phòng quá thấp vì ở trong phòng kín, không khí lưu thông kém sẽ dẫn đến các triệu chứng như chóng mặt, tim đập nhanh.
Trước khi từ trong phòng lạnh đi ra ngoài trời nên chỉnh nhiệt độ tăng lên sau đó tắt điều hòa và mở cửa khoảng 5 – 10 phút để thân nhiệt điều chỉnh kịp thời, tránh chênh lệch nhiệt độ trong phòng và ngoài trời quá lớn. Không nên đang từ trong phòng lạnh bước ra nắng nóng đột ngột hoặc ngược lại, khi từ ngoài trời nắng vào phòng cũng không nên bật điều hòa nhiệt độ thấp ngay.
Điều chỉnh chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống khoa học giúp điều chỉnh huyết áp tốt hơn trong những ngày nắng nóng. Người bệnh cần bổ sung các thực phẩm tốt cho sức khỏe như: ngũ cốc thô, cá, thịt gia cầm, rau xanh, hoa quả, sữa; nên ăn thực phẩm giàu kali như cà chua, khoai lang.
Nên hạn chế thịt đỏ, nội tạng động vật, không uống nước ngọt, hạn chế thực phẩm chứa cholesterol. Đồng thời, nên hạn chế ăn mặn, sử dụng bột nước, đồ chiên rán… Thay vào đó, các món ăn được chế biến bằng cách luộc, hấp sẽ tốt hơn với người bị tăng huyết áp.
Nắng nóng vẫn còn kéo dài với mức nhiệt ngày càng gia tăng, hãy chủ động phòng ngừa từ sớm để hạn chế tối đa biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra đối với người bị tăng huyết áp.