Côn trùng chui vào tai không phải là tình trạng hiếm gặp, gây nhiều khó chịu, đau nhức thậm chí còn giảm thính lực. Vậy bạn đã biết xử lý tình trạng này đúng cách? Nếu chưa hãy theo dõi bài viết sau đây của BVĐK Tân Dân để biết thêm nhé.
1. Làm sao để biết được côn trùng chui vào tai?
Những nơi ẩm thấp, nhiều đồ đạc là nơi trú ngụ ưa thích của các loại côn trùng như kiến, ruồi, muỗi,… Côn trùng có thể chui vào tai của bạn khi bạn nằm ngủ dưới sàn nhà hay ngủ ngoài trời trong những buổi cắm trại. Tình trạng này thường gặp ở trẻ nhỏ hơn là người lớn.
Để xử lý bị côn trùng chui vào tai trước hết bạn cần phát hiện tình trạng này. Phát hiện càng sớm sẽ hạn chế được các tổn thương do côn trùng gây ra.
Đối với côn trùng đang còn sống, bạn có thể nhận biết qua các chuyển động hoặc tiếng vo ve của chúng. Ngoài ra, côn trùng cũng có thể gây ra những hành động như cắn vào tai, khiến bạn đau, ngứa rát và kích ứng, khó chịu.
Mức độ đau sẽ phụ thuộc vào cơ thể của mỗi người và kích thước của côn trùng. Có người chỉ bị những cơn đau nhẹ nhưng cũng không ít người bị dày vò bởi những cơn đau dữ dội do côn trùng tấn công. Thậm chí, còn có trường hợp chảy máu do bị tổn thương màng nhĩ.
Có thể phát hiện côn trùng chui vào tai qua những chuyển động hoặc tiếng vo ve
Người lớn có thể nhận biết được sự tồn tại của côn trùng thông qua những chuyển động hay những tiếng vo ve dễ dàng. Tuy nhiên, đối với trẻ nhỏ thì lại khác, các bé thường không thể phát hiện được điều này và nói cho bố mẹ được biết. Vì vậy, để nhận biết trẻ bị côn trùng chui vào tai, phụ huynh cần cẩn thận quan sát những hành động, cử chỉ của trẻ như gãi, dụi hay kéo một bên tai.
2. Cách xử lý khi bị côn trùng chui vào tai
Khi bị côn trùng chui vào tai, trường hợp nhẹ có thể xử trí tại nhà. Nên nằm nghiêng bên tai có côn trùng chui vào rồi nhỏ nước ấm hoặc oxy già ngập tai cho côn trùng tự chui ra hoặc chết đi. Sau đó, đưa bệnh nhân tới bệnh viện để kiểm tra hoặc gắp côn trùng ra ngoài.
Trường hợp bị đau dữ dội, thậm chí chảy máu, cần đến bệnh viện ngay. Bệnh viện có đủ trang thiết bị y tế hiện đại để gắp côn trùng ra và đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.
Nếu loại côn trùng chui vào tai có kích thước lớn thì bạn cần làm nó chết trước khi lấy ra ngoài để tránh làm tổn thương ống tai.
Nên đến khám bác sĩ ngay khi cảm thấy bị đau, chảy dịch hoặc chảy máu tai. Có thể là dị vật đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng. Bạn cần đến khám bác sĩ ngay để gắp vật thể ra ngoài và được điều trị cũng như kê đơn thuốc.
Với côn trùng nhỏ, chỉ cần sử dụng nước rửa chuyên dụng để làm chết rồi dùng thủ thuật gắp ra an toàn. Sau khi lấy côn trùng ra bác sĩ sẽ rửa sạch tai và nhỏ thuốc vào tai vài ngày sau để tránh nhiễm trùng. Các thuốc nhỏ tai thường dùng như otipax, polydexa, dầu glycerin, dung dịch povidine…
Lưu ý: Không tự ý xử trí côn trùng chui vào tai bằng những cách dân gian như hơ lá, xông hơi. Không cố gắng dùng bông ngoáy tai hoặc là ngón tay ngoáy vào lỗ tai khi thấy cảm giác có vật thể gì đó vướng bên trong tai. Điều này sẽ dẫn đến các vật thể sẽ ngày càng vào sâu hơn phía bên trong tai. Từ đó gây khó khăn cho việc xử lý cũng như có thể dẫn tới thủng màng nhĩ.
Dùng dụng cụ ngoáy móc có thể khiến côn trùng chui vào tai sâu hơn
3. Bị côn trùng chui vào tai có sao không?
Khi bị côn trùng chui vào tai có thể gây ra tác hại hại không mong muốn. Nhẹ thì chỉ cảm thấy đau, chảy máu, nặng thì thủng màng nhĩ, suy giảm thính lực. Vì thế bạn tuyệt đối không được xem nhẹ vấn đề này, khi phát hiện côn trùng trong tai cần tiến hành xử lý càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, bạn nên đến bệnh viện để được các bác sĩ can thiệp xử lý nếu:
-
Không thể khiến cho công trùng tự chui ra khỏi hay rửa trôi nó bằng nước.
-
Chỉ lấy ra được các bộ phận nhỏ ra ngoài phần còn lại không thể lấy ra được.
-
Côn trùng chui vào tai gây ra các triệu chứng của tình trạng nhiễm trùng như: đau đớn, chảy dịch và máu, sốt cao, tai có mùi,..
Việc xử lý côn trùng chui vào tai cần được xử lý sớm tránh gây ảnh hưởng đến vùng tai
Clip bệnh nhân nội soi tai tại BVĐK Tân Dân để lấy dị vật:
Sau khi dị vật được lấy ra khỏi tai bệnh nhân:
4. Cách phòng tránh côn trùng chui vào tai
Côn trùng chui vào tai có thể mang đến nhiều ảnh hưởng không mong muốn. Vì thế, ngoài xử lý đúng cách thì phòng tránh tình trạng này cũng là điều cần thiết.
-
Đảm bảo môi trường sống sạch sẽ: bạn nên vệ sinh không gian sống của mình thường xuyên, chú ý sắp xếp đồ đạc ngăn nắp, gọn gàng tránh côn trùng ẩn nấp.
-
Không ngủ trên nền đất: bạn nên ngủ trên giường vì nó vừa rộng rãi lại thoải mái, nền đất ẩm thấp không thế tránh khỏi các loại côn trùng, có có thể đi qua và “vô tình” chui vào tai của bạn. Đồng thời, cần thường xuyên giặt giũ chăn gối để tránh thu hút côn trùng ghé thăm.
-
Đối với các bé, cần chú ý vệ sinh cơ thể, thay quần áo sạch sẽ đặc biệt là sau khi bú sữa để hạn chế dụ côn trùng tới. Ngoài ra, cần cho bé chơi ở những nơi sạch sẽ, thoáng mát.
Cần chú ý sắp xếp các đồ đạc gọn gàng, ngăn nắp
Thực ra, những cách trên đây không thể phòng tránh hoàn toàn nhưng cùng góp phần hạn chế tình trạng côn trùng chui vào tai. Vì thế, bạn nên chú ý thực hiện nhé.
Côn trùng chui vào tai không chỉ khiến chúng ta khó chịu mà còn có thể gây ảnh hưởng xấu đến vùng tai như chảy máu, sưng viêm, thậm chí là tổn thương màng nhĩ. Chính vì thế, khi phát hiện tình trạng này, bạn nên thực hiện những cách loại bỏ côn trùng mà chúng tôi nêu trên càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu không hiệu quả, bạn cần đến bệnh viện để được các bác sĩ can thiệp xử lý.