Viêm tụy cấp là bệnh nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao nhưng nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, đúng cách sẽ có cơ hội hồi phục hoàn toàn. Vậy điều trị viêm tụy cấp thế nào để đạt hiệu quả?
1. Tổng quát về viêm tụy cấp
Viêm tụy cấp là bệnh lý viêm cấp tính do men tụy tự tiêu hủy tuyến tụy. Thông thường, tuyến tụy sẽ tiết ra một số loại men như lipase, trypsin, amylase… để tiêu hóa hết thức ăn. Khi các men này tiết ra, chúng không hoạt động ngay mà khi đến tá tràng mới được kích hoạt chức năng của mình. Song vì một số nguyên nhân nào đó, các tế bào nang tuyến tụy bị tăng nhạy cảm đáp ứng với acid, acetylcholine và cholecystokinin. Hậu quả là men này “khởi động” sớm ngay trong lòng ống tụy, phá hủy mô tụy và dẫn đến tình trạng viêm tụy cấp.
Bệnh lý này xảy ra nhanh chóng, đột ngột với các biểu hiện từ nhẹ tới nặng và có tỷ lệ tử vong cao. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm, điều trị viêm tụy cấp kịp thời và đúng cách, bệnh nhân sẽ có cơ hội hồi phục cao.
Ở những ca nghiêm trọng, dịch từ tuyến tụy có thể chảy vào ổ bụng làm tổn thương và khiến các mô bị nhiễm trùng nặng nề. Bên cạnh đó, tình trạng này còn gây ra những biến chứng nguy hiểm với các bộ phận khác như tim, thận, phổi.
2. Viêm tụy cấp xảy ra do nguyên nhân nào?
Viêm tụy cấp do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó bệnh đường mật do sỏi hoặc giun chiếm tới 40-50% các trường hợp mắc bệnh. Bên cạnh đó, việc sử dụng rượu bia cũng là nguyên do dẫn đến viêm tụy cấp ở người bệnh.
Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác gây viêm tụy cấp nhưng ít gặp hơn:
– Do phẫu thuật về DD-TT, chấn thương vùng bụng hoặc thủ thuật nội soi mật tuỵ ngược dòng qua ERCP.
– Một số bệnh lý làm tổn những mạch máu nhỏ như Luput ban đỏ, đái tháo đường.
– Những bệnh có tăng lipide máu hoặc nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa lipide máu.
– Rối loạn chuyển hóa: Calci huyết tăng như cường tuyến cận giáp.
– Mắc virus quai bị
– Do một số loại thuốc như Cimetidine, Furosemide, Azathioprin, 6-MP, Tetracycline…
– Do bị dị ứng
Còn lại khoảng 20 – 25% trường hợp không xác định được nguyên nhân.
3. Dấu hiệu cảnh báo lâm sàng của bệnh viêm tụy cấp
Dấu hiệu cảnh báo lâm sàng của viêm tụy cấp thường xuất hiện hết sức đột ngột và có diễn biến phức tạp. Bệnh có thể xen lẫn các dấu hiệu ngoại khoa, nhất là viêm tụy cấp thể hoại tử.
– Đau bụng: Gần như 100% các trường hợp viêm tụy cấp đều xuất hiện tình trạng đau bụng. Cơn đau xuất hiện bất thình lình ở vùng trên rốn, sau đó lan lên ngực và lan sang hai bên mạn sườn, rồi ra sau lưng. Người bệnh thường đau dữ dội nhất sau vài giờ và thường kéo dài nhiều giờ.
– Nôn: Cùng với cơn đau, người bệnh còn bị nôn. Nôn vì viêm tụy cấp xảy ra ở khoảng 70 – 80% các trường hợp và không có dấu hiệu thuyên giảm sau khi nôn.
– Liệt ruột cơ năng do bí trung đại tiện
– Vùng bụng bị chướng hơi, có phản ứng cục bộ vùng trên rốn. Điểm thắt lưng và điểm sườn có thể bị đau ở cả hai bên hoặc một bên. Ngoài ra còn có thể thấy vàng da kèm theo túi mật to, gan to.
Trường hợp viêm tụy cấp hoại tử nhập viện muộn sẽ có thêm triệu chứng sốt, khó thở.
4. Điều trị viêm tụy cấp thế nào cho hiệu quả?
Đầu tiên, cần đánh giá độ nặng nhẹ của người bệnh viêm tụy cấp bởi tiên lượng tử vong của những ca viêm tụy cấp nhẹ chỉ rơi vào khoảng 1%. Trong khi đó, những ca viêm tụy cấp nặng không nhiễm trùng có tỷ lệ tử vong tới 10 – 15%. Đặc biệt, tỷ lệ tử vong ở những ca viêm tụy cấp có biến chứng nhiễm trùng lên tới 30 – 35%.
Nguyên tắc chung trong điều trị bệnh viêm tụy cấp hiện nay là:
– Điều trị kết hợp nội – ngoại khoa. Bao gồm: điều trị hồi sức nội khoa và theo dõi sát diễn tiến của bệnh để đưa ra chỉ định can thiệp ngoại khoa đúng thời điểm.
– Tránh kích thích tuyến tụy, để tuyến tụy nghỉ ngơi bằng thuốc và phương pháp nuôi ăn
– Thực hiện điều trị nâng đỡ hỗ trợ toàn thân.
– Điều trị những biến chứng.
4.1. Điều trị viêm tụy cấp bằng nội khoa (dùng thuốc)
Mục đích của việc điều trị bằng nội khoa nhằm giảm tiết dịch tụy, giảm đau, phòng chống sốc, nuôi ăn, dùng kháng sinh khi xuất hiện bội nhiễm cũng như biện pháp điều trị hỗ trợ khác.
– Giảm đau
Bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh sử dụng thuốc giảm đau, giảm co thắt tiêm bắp hoặc tiêm Buscppan. Thuốc chống đau có thể kể đến như Meperidin (tiêm bắp), Dolargan.
– Giảm tiết dịch tụy: Liên tục hút dịch dạ dày
Một số loại thuốc chống tiết dịch vị như ức chế bơm proton, ức chế thụ thể H2 (AntiH2), Octreotide 100mcg x 3ngày.
– Dinh dưỡng
Dinh dưỡng cho người bệnh trong 1 – 2 ngày đầu được hực hiện thông qua đường tiêm truyền, đảm bảo calo, đạm, đường 30calo/kg/ngày và tăng dần lên 50 – 60calo/kg/ngày. Sau đó, bệnh nhân được chuyển dần qua nuôi ăn bằng đường miệng theo quy tắc từ loãng đến đặc. Người bệnh viêm tụy cấp cần kiêng sữa, chất béo và mỡ. Việc nuôi ăn theo đường miệng ở người bệnh tuyệt đối phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.
– Phòng và điều trị sốc
Trong những ngày đầu, người bệnh được truyền dịch lượng nhiều (4 – 6 lít/ngày). Việc này giúp thăng bằng kiềm toan, điều chỉnh rối loạn nước điện giải, điều chỉnh Calci, Magnesium. Khi người bệnh bị sốc, cần điều trị theo nguyên nhân.
– Điều trị những biến chứng khác, bao gồm:
+ Hỗ trợ hô hấp khi người bệnh suy hô hấp
+ Lọc máu nếu bệnh nhân suy thận
+ Dùng Heparin khi người bệnh vị rối loạn đông máu
+ Khi người bệnh nhiễm trùng cần dùng kháng sinh phổ rộng, kết hợp diệt khuẩn gram(+), Gram (-)….
+ Thẩm phân phúc mạc với trường hợp nặng để loại độc chất nhanh hơn, giảm nguy cơ tử vong ở người bệnh.
– Dùng kháng sinh trong điều trị bệnh viêm tụy cấp nặng
Chỉ định dùng kháng sinh thường được áp dụng trong các trường hợp:
+ Bệnh nhân mới xuất hiện nhiễm trùng huyết hoặc hội chứng đáp ứng viêm toàn thân.
+ Người bệnh suy chức năng từ 2 cơ quan trở lên
+ Có kết quả nhiễm trùng ở tuyến tụy hoặc ngoài tuyến tụy
4.2. Điều trị viêm tụy cấp bằng ngoại khoa
Việc điều trị ngoại khoa sẽ được các bác sĩ chỉ định khi:
– Có nghi ngờ trong việc chẩn đoán, không loại được một bệnh ngoại khoa khác.
– Người bệnh bị bệnh đường mật, kết hợp chỉ định can thiệp điều trị ngoại khoa nhằm mục đích giải tỏa, dẫn lưu đường mật.
– Khi việc điều trị nội khoa tích cực mà không cải thiện được tình trạng của người bệnh.
Viêm tụy cấp có thể ảnh hưởng xấu tới tính mạng con người. Hãy tạo thói quen chủ động chăm sóc sức khỏe của mình bằng chế độ ăn uống lành mạnh, lối sống khoa học. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ bệnh, hãy tới ngay cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.