Đau ruột thừa là bệnh tiêu hóa thường gặp. Nhiều trường hợp cần cấp cứu ngay lập tức để tránh nguy hiểm đến tính mạng. Nhận biết các triệu chứng đau ruột thừa giúp người bệnh kịp thời thăm khám, ngăn bệnh diễn tiến nguy hiểm.
1. Hiểu về bệnh đau ruột thừa
Ruột thừa là một khúc ruột ngắn vài centimet, một đầu tịt, một đầu gắn vào manh tràng (phần nối tiếp ruột già và ruột non). Bộ phận này không phát triển chức năng tiêu hóa. Tuy nhiên, một số nghiên cứu chỉ ra, nó có thể là một phần của hệ miễn dịch.
Xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau (sỏi phân, chất nhầy, vi khuẩn, ký sinh trùng, khối u…) mà ruột thừa có thể bị tắc nghẽn gây tình trạng viêm ruột thừa và chứng đau ruột thừa. Bệnh xảy ra nhiều hơn ở lứa tuổi thanh thiếu niên (16-30 tuổi) và là cấp cứu bụng ngoại khoa phổ biến hàng đầu (chiếm đến 40% tổng số ca).
Người bệnh không được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời có nguy cơ đối mặt với các biến chứng, thậm chí tử vong.
2. Triệu chứng đau ruột thừa người bệnh cần lưu ý
Đau ruột thừa là bệnh lý diễn tiến nhanh, ngay khi xuất hiện các dấu hiệu dưới đây, người bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị trước khi bệnh trở nặng.
2.1 Đau vùng hố chậu phải là triệu chứng đau ruột thừa điển hình
Cơn đau có xu hướng xảy ra đột ngột, bắt đầu tại một vị trí bất kỳ của ổ bụng và khu trú về hố chậu phải sau vài giờ. Người bệnh có thể cảm thấy đau tăng dần trong 24h, từ âm ỉ đến khi thành bụng co cứng, đau hơn khi thay đổi tư thế, khi ho hay dùng tay ấn… Tuy nhiên, tính chất cơn đau cũng có thể khác nhau phụ thuộc vào tình trạng viêm, vị trí đoạn ruột thừa, sức đề kháng của người bệnh hay đơn thuốc đang sử dụng…
2.2. Triệu chứng đau ruột thừa – run và sốt
Người bệnh viêm ruột thừa có thể sốt đến 38 độ, đây là phản ứng của cơ thể tấn công các tác nhân gây nhiễm trùng. Trường hợp sốt cao hơn từ 39 – 40 độ có thể là dấu hiệu cảnh báo viêm phúc mạc do thủng ruột thừa. Đi kèm với sốt, người bệnh cũng có phản ứng run và ớn lạnh.
2.3. Rối loạn tiêu hóa
Là triệu chứng xuất hiện trong hầu hết ca bệnh viêm ruột thừa, đặc trưng bởi các biểu hiện như: nôn ói kéo dài, bụng cồn cào, chán ăn, tiêu chảy hoặc táo bón…
Trong đó, ăn không ngon miệng, chán ăn là là dấu hiệu quan trọng để củng cố chẩn đoán viêm ruột thừa. Nếu không có triệu chứng này, một số chuyên gia cho rằng cần xem xét lại tính chính xác của chẩn đoán.
3. Diễn tiến bệnh đau ruột thừa
3.1 Biến chứng viêm phúc mạc
Xảy ra khi ruột thừa bị vỡ (thủng), dịch mủ tràn vào ổ bụng gây nhiễm độc, nhiễm trùng, sốc toàn thân. Sau 36h kể từ khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng đầu tiên, nguy cơ biến chứng được ghi nhận ít nhất là 15%. Đây là tình trạng nguy hiểm nhất của bệnh đau ruột thừa.
Bệnh nhân có các biểu hiện như: đau bụng dữ dội, sốt cao, hạ thân nhiệt, tụt huyết áp, bí trung đại tiện, bụng chướng… cần được cấp cứu ngay lập tức để không nguy hiểm đến tính mạng.
3.2 Áp xe ruột thừa
Là tình trạng ruột thừa bị vỡ mủ nhưng được các quai ruột bao bọc tạo thành khối không di động nhằm ngăn viêm tràn vào ổ bụng. Đây là biến chứng ít nguy hiểm hơn so với viêm phúc mạc nhưng nếu không được xử lý đúng cách, ổ áp xe vẫn có nguy cơ vỡ ra gây viêm phúc mạc toàn bộ.
Áp xe ruột thừa có thể được phát hiện nhờ siêu âm hoặc chụp CT ổ bụng. Thông thường, các bác sĩ sẽ tiến hành đặt ống dẫn lưu và chỉ định kháng sinh để điều trị nhiễm trùng. Sau khi phục hồi, người bệnh tiếp tục được khuyến cáo loại bỏ đoạn ruột thừa bị viêm.
3.3 Đám quánh ruột thừa
Một dạng biến chứng khác của viêm ruột thừa là đám quánh, do các quai ruột và mạc nối nối tạo thành với mục đích ngăn ngừa nhiễm trùng ổ bụng do thủng ruột thừa. Tuy nhiên đây là tình trạng không phổ biến, chỉ xảy ra ở số ít người bệnh có sức đề kháng mạnh hoặc đã từng sử dụng thuốc điều trị mà không hay biết.
Nếu may mắn, đám quánh ruột thừa có thể dập tắt đợt viêm và tự tan dần. Trường hợp khác, đám quánh sẽ tiến triển thành áp xe ruột thừa. Đối với biến chứng này, người bệnh sẽ được theo dõi thêm trước khi đưa ra chỉ định điều trị.
4. Phát hiện đau ruột thừa như thế nào?
Hầu hết ca bệnh đau ruột thừa điển hình không khó để nhận biết các dấu hiệu lâm sàng. Bác sĩ kiểm tra bằng cách ấn nhẹ vùng bụng của bệnh nhân. Đau do viêm ruột thừa thường khiến người bệnh gồng cứng bụng. Người bệnh cũng cảm thấy đau nặng hơn khi bác sĩ bỏ tay ra (Cảnh báo dấu hiệu viêm phúc mạc).
Bên cạnh khám lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện một số xét nghiệm để củng cố chẩn đoán như: xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm, chụp x-quang, chụp Barit bằng thụt, chụp CT… Các xét nghiệm này đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong chẩn đoán các triệu chứng đau ruột thừa không điển hình. Bước thăm khám này giúp giảm tỷ lệ chẩn đoán sai từ 30% xuống còn 14%. Đặc biệt, bằng cách ứng dụng chụp cắt lớp vi tính, tỷ lệ sai sót chỉ còn 7%.
5. Điều trị bệnh đau ruột thừa
Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa bị viêm là nguyên tắc tiêu chuẩn trong điều trị bệnh. Các bác sĩ khuyến cáo, phẫu thuật viêm ruột thừa nên tiến hành càng sớm càng tốt, ngay khi có chẩn đoán để tránh bệnh diễn tiến tăng nặng.
Phẫu thuật là phương pháp tối ưu đối với trường hợp viêm ruột thừa.
Đối với điều trị không phẫu thuật, một số nghiên cứu đã chỉ ra khả năng điều trị bằng kháng sinh đối với trường hợp viêm ruột thừa không biến chứng. Kết quả cho thấy tỷ lệ thành công là 90%. Tuy nhiên có tới 30% các ca bệnh tái phát sau 1 năm điều trị thành công. Điều này cho thấy sử dụng kháng sinh không có khả năng điều trị dứt điểm bệnh. Phương pháp điều trị nội khoa này chỉ nên sử dụng trong trường hợp bệnh nhân không thể thực hiện phẫu thuật vì nhiều lý do.
Triệu chứng đau ruột thừa trong hầu hết các trường hợp đều rất điển hình, người bệnh có thể dễ dàng nhận biết và điều trị thành công nếu thăm khám sớm. Tuy nhiên, ở thể không điển hình, bệnh có thể gây khó khăn trong chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh. Do đó, bạn không nên chủ quan với bất kỳ thay đổi nào của cơ thể. Ngay khi nghi ngờ dù chỉ là một dấu hiệu bệnh, hãy đến cơ sở y tế để được điều trị đúng và kịp thời.