HPV là họ virus bao gồm nhiều chủng virus khác nhau. Và đa số chúng đều lây nhiễm qua đường tình dục. Tuy nhiên, virus HPV có thể phát triển âm thầm và gây các tổn thương tiền ung thư, thậm chí là ung thư. Và đa số triệu chứng biểu hiện ung thư thường ở giai đoạn trễ. Do đó, việc xét nghiệm HPV là vô cùng quan trọng. Vậy xét nghiệm HPV là gì? Hãy cùng BVĐK Tân Dân tìm hiểu qua bài viết sau đây.
Xét nghiệm HPV là gì?
Xét nghiệm HPV hay còn gọi là xét nghiệm virus gây u nhú ở con người. Xét nghiệm này giúp phát hiện sự hiện diện của virus gây u nhú ở người – HPV (Papillomavirus) trong cơ thể. Đây là một loại virus có thể gây mụn cóc sinh dục, phát triển bất thường của tế bào tử cung. Thậm chí nghiêm trọng hơn là dẫn đến ung thư cổ tử cung.
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến nghị xét nghiệm HPV chính là cách ưu tiên để tầm soát ung thư cổ tử cung hoặc tiền ung thư ở những người từ 25 đến 65 tuổi có nguy cơ cao.
Các loại xét nghiệm HPV hiện nay
Xét nghiệm HPV mang mục đích xác định tình trạng nhiễm virus HPV và tuýp HPV mà người làm xét nghiệm đang mắc phải. Các xét nghiệm HPV hiện nay bao gồm 2 dạng chính như sau:
- Xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung: Xét nghiệm Pap smear (hay còn gọi là Pap test).
- Xét nghiệm sinh học phân tử: xét nghiệm HPV Real-time PCR, xét nghiệm HPV DNA.
Xét nghiệm HPV ở miệng
Virus HPV lây nhiễm khi tiếp xúc trực tiếp qua da với da. Hầu hết nhiễm HPV ở vùng cơ quan sinh dục là do quan hệ tình dục không an toàn. Nếu quan hệ tình dục bằng miệng, có thể bị lây nhiễm virus ở miệng hoặc cổ họng.
Tuy nhiên không có bất kỳ xét nghiệm nào được thực hiện để xác định có nhiễm HPV ở miệng hay không. HPV ở miệng chỉ có thể phát hiện thông qua tầm soát ung thư vùng hầu họng hoặc các triệu chứng của bệnh.
Nếu có triệu chứng và đã biểu hiện ra bên ngoài. Người bệnh có thể được chỉ định sinh thiết để xác định tổn thương đó có phải là ung thư hay không.
Xét nghiệm HPV genotype (xét nghiệm HPV Real-time PCR, xét nghiệm HPV định type) là gì?
Xét nghiệm HPV genotype hay còn gọi là xét nghiệm HPV genotype Real-time PCR, xét nghiệm HPV định type. Xét nghiệm này giúp chẩn đoán có bị nhiễm virus HPV hay không. Bằng cách sử dụng kỹ thuật tiên tiến và hiện đại nhất, áp dụng cách thức sử dụng đầu dò Taqman đặc hiệu cho phép sử dụng các mẫu sinh thiết và quệt cổ tử cung giúp xác định chính xác tuýp HPV gây bệnh.
Xét nghiệm này đặc hiệu cho 20 genotype HPV thường hay gặp. Chúng bao gồm:
- 14 genotype nhóm nguy cơ cao: 16, 18, 31, 33, 35, 39, 45, 51, 52, 56, 58, 59, 66 và 68.
- 6 genotype nhóm nguy cơ thấp: 6, 11, 40, 42, 44.
Ưu điểm của xét nghiệm HPV genotype
- Giúp chẩn đoán xác định bệnh trong thời gian ngắn với độ chính xác cao.
- Là xét nghiệm không xâm lấn.
- Được đồng chi trả cùng bảo hiểm y tế và bảo hiểm khác nên giúp giảm gánh nặng chi phí kinh tế.
- Chi phí xét nghiệm ở mức hợp lí và trong khả năng tài chính của đa số người dân.
Nhược điểm xét nghiệm HPV genotype
- Độ chính xác của kết quả phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bao gồm: kỹ thuật lấy mẫu, phết kính, chuẩn bị mẫu và tay nghề của kỹ thuật viên.
Xét nghiệm máu có phát hiện HPV?
Xét nghiệm máu thông thường không thể phát hiện được virus HPV. Để xác định có nhiễm HPV hay không cần thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu liên quan đến virus HPV. Các xét nghiệm đó bao gồm: phết tế bào ở cổ tử cung Pap smear, Xét nghiệm Real-time PCR định danh virus đó là tuýp nào hoặc xét nghiệm HPV DNA dựa vào gen của virus để xác định chính xác có nhiễm virus HPV không.
Xét nghiệm HPV DNA
Xét nghiệm HPV DNA là xét nghiệm giúp tìm kiếm virus HPV gây u nhú ở người. Xét nghiệm này được chứng minh là có hiệu quả hơn so với các phương pháp xét nghiệm sàng lọc khác. Ngoài ra nó còn giúp phát hiện sớm và phòng ngừa bệnh ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. Vì ung thư cổ tử cung là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong ở phụ nữ trên toàn thế giới.
Đây là xét nghiệm có kỹ thuật tiên tiến và công nghệ giải trình gen mới để phân tích. Đồng thời áp dụng hệ thống tách chiết tự động để phân tách DNA.
Ưu điểm của xét nghiệm HPV DNA
- Có độ nhạy và độ đặc hiệu cao nhất trong các phương pháp xét nghiệm.
- Kết quả chính xác trong xác định sự hiện diện của virus HPV.
- Thao tác thực hiện đơn giản. Thời gian trả kết quả ngắn hơn.
- Giúp giảm số ca tử vong do ung thư cổ tử cung so với không sàng lọc.
- Giảm tỷ lệ nội soi cổ tử cung.
- Đảm bảo khách quan và khoa học.
Nhược điểm của xét nghiệm HPV DNA
- Chỉ phát hiện virus HPV có đang tồn tại trong cơ thể không.
- Chỉ giúp đánh giá nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung. Không chẩn đoán được có mắc ung thư không.
- Để đạt hiệu quả cao nhất trong chẩn đoán ung thư thì thường phải kết hợp 2 xét nghiệm. Đó là HPV DNA và xét nghiệm Pap smear.
Xét nghiệm tầm soát HPV
Mục tiêu của xét nghiệm tầm soát HPV là phát hiện sớm các thay đổi tiền ung thư của tế bào cổ tử cung. Và sớm điều trị để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung tiến triển. Việc điều trị sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu phát hiện ung thư ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên hầu hết các triệu chứng thường xuất hiện vào giai đoạn ung thư đã di căn cơ quan khác. Điều này làm cho việc điều trị bệnh càng trở nên khó khăn hơn.
Có 3 cách thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung. Đó là:
- Xét nghiệm kiểm tra virus HPV gây u nhú ở người. Hay còn gọi là xét nghiệm sinh học phân tử. Bao gồm các xét nghiệm sau: Xét nghiệm sinh học phân tử: xét nghiệm HPV Real-time PCR, xét nghiệm HPV DNA. Các xét nghiệm này giúp kiểm tra tế bào trong cơ thể có bị nhiễm các loại HPV nguy cơ cao, có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung hay không.
- Xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung Pap hay còn gọi là Pap smear. Với mục đích thu thập các tế bào cổ tử cung để kiểm tra những thay đổi trong các tế bào này do HPV gây ra. Và nếu những thay đổi này không được điều trị sẽ dễ chuyển thành ung thư cổ tử cung. Xét nghiệm Pap giúp xác định các tế bào tiền ung thư và tế bào ung thư cổ tử cung.
- Xét nghiệm HPV/Pap là thực hiện đồng thời cả 2 xét nghiệm HPV và Pap. Mục đích là kiểm tra virus HPV nguy cơ cao và các thay đổi của tế bào ung thư cổ tử cung.
Ưu điểm của xét nghiệm tầm soát HPV
- Chi phí thực hiện xét nghiệm thấp.
- Kỹ thuật xét nghiệm và trang thiết bị không yêu cầu phải hiện đại.
- Quy trình xét nghiệm đơn giản, nhanh chóng và không gây đau đớn.
Nhược điểm của xét nghiệm tầm soát HPV
- Độ nhạy của xét nghiệm khá thấp.
- Hằng năm phải thực hiện lại xét nghiệm.
- Kết quả xét nghiệm có độ khác quan không cao. Do phụ thuộc vào người đọc kết quả.
- Khâu chuẩn bị mẫu có thể bỏ sót tế bào dẫn đến kết quả âm tính giả. Nếu kết quả xét nghiệm Pap âm tính nhưng lại có triệu chứng của ung thư cổ tử cung. Khuyến cáo mọi người nên đi làm thêm các xét nghiệm khác. Hoặc làm kèm thêm xét nghiệm HPV-DNA để kết quả chính xác hơn.
Xét nghiệm HPV Cobas là gì?
Xét nghiệm HPV Cobas được xem là 1 dạng của xét nghiệm HPV DNA. Với kỹ thuật tiên tiến và hiện đại. Xét nghiệm này giúp thực hiện xét nghiệm duy nhất 1 lần lấy mẫu bệnh phẩm để phát hiện và xác định 2 type virus HPV. Đó là HPV-16 và HPV-18. Hai type này chiếm đến 70% trong tổng số nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung.
Bên cạnh đó còn giúp xác định có bị nhiễm thêm loại virus nào trong tổng số 12 type HPV nguy cơ cao còn lại không.
Ưu điểm của xét nghiệm HPV Cobas
- Độ chính xác của xét nghiệm đạt trên 90%.
- Là xét nghiệm duy nhất được FDA (Cơ quan Quản lý Thuốc và Dược phẩm Hoa Kỳ) và Cộng đồng chung Châu Âu phê chuẩn.
- Kết quả âm tính giả với tỉ lệ rất thấp. Do toàn bộ hệ thống đều tự động hóa.
- Quy trình lấy mẫu bệnh phẩm khá đơn giản và nhanh chóng.
- Còn giúp phát hiện nguy cơ tiền ung thư trước khi tế bào cổ tử cung có những biến đổi.
Nhược điểm của xét nghiệm HPV Cobas
- Kết quả thường rất lâu mới có. Tầm khoảng 7 – 10 ngày mới có kết quả.
- Trang thiết bị và công nghệ thực hiện xét nghiệm này được yêu cầu phải thật hiện đại và tiên tiến. Vì vậy nó chỉ thích hợp tại các bệnh viện lớn và hiện đại.
Vì sao cần thực hiện xét nghiệm HPV?
2 tổ chức tiên phong trong việc phát triển các khuyến nghị về xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung là lực lượng đặc nhiệm các dịch vụ phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (USPSTF) và Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS).
Vì 2 tổ chức này cho rằng việc tiêm ngừa HPV không thể ngăn ngừa sự lây nhiễm của tất cả các loại HPV nhóm nguy cơ cao. Đồng thời họ cũng khuyến cáo những người đã tiêm ngừa HPV nên thực hiện theo các khuyến nghị tầm soát ung thư cổ tử cung.
Những đối tượng cần thực hiện xét nghiệm HPV
Xét nghiệm HPV ở nam giới
Cho đến hiện tại vẫn chưa có xét nghiệm HPV cho nam giới. Vì hầu hết nam giới đều không phát triển các triệu chứng của HPV. Bên cạnh đó có nhiều trường hợp nhiễm HPV thể điển hình không có triệu chứng và bệnh cũng sẽ tự khỏi.
Đa số các trường hợp nhiễm HPV ở nam thường là tự hết bệnh. Nhưng vẫn có những trường hợp dẫn đến ung thư dương vật hoặc ung thư hậu môn.
Bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm Pap smear cho nam giới qua đường hậu môn. Tuy nhiên xét nghiệm này chỉ áp dụng với nam giới dương tính với HIV qua quan hệ tình dục đường hậu môn.
Xét nghiệm HPV ở nữ giới
United States Preventive Services Task Force (USPSTF) khuyến nghị phụ nữ nên đi tầm soát ung thư cổ tử cung 3 năm/lần bằng xét nghiệm Pap khi từ 21 – 29 tuổi.
Trường hợp từ 30-65 tuổi được khuyến nghị như sau:
- Xét nghiệm tế bào ung thư cổ tử cung: 3 năm/lần.
- Xét nghiệm virus HPV nguy cơ cao: 5 năm/lần.
- Hoặc xét nghiệm HPV/Pap 5 năm/lần.
Đối với Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ ACS khuyến cáo nên đi kiểm tra ung thư cổ tử cung và xét nghiệm HPV 5 năm/lần ở phụ nữ từ 25 – 65 tuổi.
Các trường hợp khác cần xét nghiệm HPV
- Dương tính với HIV/AIDS.
- Hệ thống miễn dịch suy yếu.
- Tiếp xúc với Diethylstilbestrol (DES) trước khi sinh nở. Diethylstilbestrol là một loại thuốc estrogen không steroid, hiện nay ít được sử dụng. Được chỉ định điều trị các triệu chứng phát sinh trong thời kỳ mãn kinh và sau khi cắt bỏ buồng trứng, teo âm đạo do tuổi già và loạn dưỡng âm hộ. Bên cạnh đó nó còn được biết đến là 1 chất gây quái thai và ung thư nổi tiếng.
- Kết quả xét nghiệm sàng lọc hoặc sinh thiết gần nhất có phát hiện bất thường.
- Người mắc ung thư cổ tử cung.
Xét nghiệm HPV bằng cách nào?
Quy trình xét nghiệm HPV đa số đều thực hiện các bước tương tự nhau. Giữa các xét nghiệm chỉ khác nhau về phương pháp và kỹ thuật phân tích mẫu bệnh phẩm. Từ đó sẽ dẫn đến khác biệt về ưu và nhược điểm giữa các loại xét nghiệm.
Xét nghiệm Pap smear
Bước 1: Người bệnh dang rộng 2 chân và đặt ở trên kiềng (giá đỡ).
Bước 2: Thiết bị chuyên dụng là mỏ vịt sẽ được bác sĩ đưa từ từ vào âm đạo. Nó giúp cố định vùng cần khám để dễ dàng quan sát.
Bước 3: Bác sĩ sẽ dùng 1 que gỗ để lấy mẫu tế bào nhỏ ở cổ tử cung.
Bước 4: Các tế bào trên que gỗ được bác sĩ phết lên một nửa lam kính ở phần kính mờ. Thực hiện phết theo 1 chiều duy nhất và phết mỏng. Thao tác không được quá mạnh tránh làm hư tế bào.
Bước 5: Làm ngược lại với một nửa lam kính mờ còn lại. Tuy nhiên phết tế bào theo cách xoay vòng theo chiều dài lam kính. Bác sĩ sẽ thao tác vừa xoay vừa đè nhẹ que gỗ. Xong lớp thứ nhất tiếp tục phết lớp thứ 2 chồng lên. Cuối cùng là đem đến phòng thí nghiệm để phân tích.
Xét nghiệm Cobas test
Bước 1: Người bệnh dang rộng 2 chân và đặt ở trên kiềng (giá đỡ).
Bước 2: Bác sĩ sẽ lấy mẫu tế bào ở cổ tử cung bằng que quấn gòn dài.
Bước 3: Phân tích mẫu bằng hệ thống Cobas 4800 với quy trình tự động tinh sạch DNA. Sau quá trình này là thực hiện PCR và real-time PCR để phát hiện sự có mặt của virus. Toàn bộ quá trình này đều được tự động hóa.
Bước 4: Xác định 12 type HPV nguy cơ cao trong 7-10 ngày.
Xét nghiệm HPV DNA
Thông thường xét nghiệm HPV DNA sẽ được thực hiện chung với xét nghiệm Pap. Sau khi lấy mẫu tế bào ở cổ tử cung sẽ đem đi chiết tách DNA bằng hệ thống tách chiết tự động. Kết hợp công nghệ hiện đại để xác định chính xác virus HPV có hiện diện trong cơ thể không.
Cách đọc kết quả xét nghiệm HPV
Xét nghiệm HPV âm tính
Kết quả âm tính chứng tỏ không tìm thấy HPV nguy cơ cao. Nhân viên y tế sẽ hướng dẫn tầm soát định kỳ. Thường là 3 – 5 năm/lần. Hoặc có thể là sớm hơn tùy thuộc vào độ tuổi và tiền sử bệnh của mỗi người.
Thay đổi lành tính
Có thể người xét nghiệm đang bị viêm ở tế bào cổ tử cung. Cần thăm khám nhiều và kĩ hơn để không bị bỏ sót bệnh.
Có sự thay đổi trong tế bào cổ tử cung (ASCUS)
Không xác định được tế bào vảy không điển hình. Cần thực hiện thêm các xét nghiệm khác để xác định nguyên nhân. Nếu dương tính với xét nghiệm HPV khi xét nghiệm đồng thời cả 2 thì sẽ được chỉ định soi cổ tử cung.
Loạn sản nhẹ hoặc trung bình (LSIL)
Đã nhiễm virus HPV. Để xác định được vị trí và mức độ tổn thương của cổ tử cung, cần làm thêm soi cổ tử cung.
Loạn sản nặng (HSIL)
Tình trạng này trầm trọng hơn các trường hợp trên. Đã nhiễm HPV nhưng chưa hình thành ung thư. Tuy nhiên nếu không can thiệp hoặc điều trị kịp thời sẽ rất dễ tiến triển thành ung thư cổ tử cung.
Xét nghiệm HPV dương tính
Kết quả xét nghiệm HPV dương tính có nghĩa là đã tìm thấy virus HPV nguy cơ cao trong cơ thể người được chỉ định xét nghiệm. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là người được làm xét nghiệm đã mắc ung thư.
Nó chỉ cho thấy người này có nguy cơ cao mắc ung thư cổ tử cung ở tương lai. Nhân viên y tế sẽ hướng dẫn hoặc yêu cầu thực hiện thêm các xét nghiệm khác để theo dõi hoặc chẩn đoán tình trạng một cách chính xác. Các xét nghiệm này có thể là:
- Soi âm đạo và cổ tử cung.
- Sinh thiết cổ tử cung.
Những lưu ý khi xét nghiệm HPV
Do xét nghiệm HPV và Pap thường được kết hợp thực hiện chung. Nên có một số lưu ý sau để có kết quả chính xác nhất:
- 2 ngày trước khi xét nghiệm: tránh quan hệ, thụt rửa hoặc dùng bất kỳ loại thuốc âm đạo, bọt,… diệt tinh trùng.
- Không nên xét nghiệm trong thời kỳ kinh nguyệt.
Tiêm phòng HPV có cần xét nghiệm không?
Không cần thực hiện xét nghiệm trước khi tiêm ngừa vaccine HPV. Tuy nhiên khuyến cáo mọi người nên khám sức khỏe sàng lọc trước tiêm ngừa để đảm bảo an toàn trong tiêm chủng. Các đối tượng đủ điều kiện tiêm vaccine HPV mà không cần xét nghiệm là:
- Nữ từ 9 – 26 tuổi.
- Không mang thai.
- Không dị ứng với bất kì thành phần nào của vaccine.
- Không mắc các bệnh cấp tính.
Hy vọng những thông tin hữu ích của bài viết trên sẽ giúp bạn đọc có được lựa chọn phù hợp. Thế nhưng tùy vào tình trạng cũng như triệu chứng ở mỗi người mà bác sĩ sẽ chỉ định từng xét nghiệm HPV phù hợp. Hãy đến cơ sở khám chữa bệnh uy tín để có sự tư vấn kỹ càng và chính xác hơn nhé.