Cách phòng bệnh thủy đậu cho trẻ hiệu quả hàng đầu hiện nay chính là tiêm vắc xin. Dù không thể loại bỏ tuyệt đối nguy cơ mắc thủy đậu nhưng các bé được tiêm vắc xin có tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn, hoặc nếu mắc bệnh thì triệu chứng cũng sẽ nhẹ hơn. Mời bố mẹ cùng tìm hiểu chi tiết hơn phương pháp tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ nhỏ trong bài viết dưới đây.
1. Tiêm vắc xin hiện là cách phòng bệnh thủy đậu hiệu quả hàng đầu
Bệnh thủy đậu, còn được gọi là trái rạ, là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Varicella zoster gây ra. Loại virus này là nguyên nhân gây bệnh thủy đậu ở trẻ em và bệnh zona ở người lớn.
Bệnh thủy đậu xảy ra ở trẻ em thường có tình trạng nhẹ, không gây ra triệu chứng nghiêm trọng ngoài việc xuất hiện các mụn nước trên da. Tuy nhiên, việc chăm sóc và điều trị đúng cách là vô cùng cần thiết để ngăn ngừa nhiễm trùng da từ các vùng có mụn nước. Trường hợp không được chăm sóc cẩn thận, trẻ có thể gặp nguy cơ nhiễm trùng và mắc phải các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng huyết hoặc viêm não.
Để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm của bệnh thủy đậu, bố mẹ cần có biện pháp phòng tránh bệnh thủy đậu cho bé từ khi còn nhỏ. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, tiêm phòng vắc xin hiện là giải pháp bảo vệ an toàn và hiệu quả cho trẻ khỏi bệnh thủy đậu.
2. Những trường hợp trẻ nên tiêm vắc xin ngừa bệnh thủy đậu
Hiện nay, tiêm vắc xin đã trở thành cách phòng bệnh thủy đậu phổ biến và hiệu quả giúp bảo vệ trẻ em khỏi bệnh này. Bố mẹ có thể tham khảo những trường hợp trẻ cần tiêm vắc xin phòng thủy đậu dưới đây:
– Trẻ chưa từng bị thủy đậu hoặc có nguy cơ nhiễm bệnh thủy đậu cao.
– Trẻ bị các bệnh liên quan đến bạch cầu như bạch cầu cấp tính hoặc có suy giảm hệ thống miễn dịch. Lý do là bởi những trẻ có bệnh lý liên quan đến bạch cầu có nguy cơ mắc bệnh thủy đậu nghiêm trọng hơn và có thể gặp các biến chứng nghiêm trọng hơn từ việc nhiễm virus thủy đậu. Do đó, việc tiêm vắc xin là cần thiết để có thể giúp bảo vệ sức khỏe của bé trong thể trạng rất yếu đó.
– Trẻ nhỏ sinh sống trong môi trường khép kín như khu tập thể, ký túc xá, trường học, hay bệnh viện. Đây đều là những nơi có mật độ người đông đúc, dễ tiếp xúc gần và lây lan virus thủy đậu. Việc tiêm vắc xin cho trẻ ở những khu vực này không chỉ bảo vệ trẻ mà còn hạn chế sự lây truyền bệnh trong cộng đồng.
Thực tế, việc trẻ được tiêm phòng vắc xin thủy đậu không những giảm nguy cơ mắc bệnh mà còn hạn chế lây truyền bệnh cho cộng đồng.
3. Những trường hợp trẻ không được tiêm vắc xin thủy đậu
Nếu bé thuộc các trường hợp dưới đây, bố mẹ không được cho con tiêm vắc xin ngừa bệnh thủy đậu:
– Bé đang bị sốt hoặc nổi ban, có dấu hiệu dị ứng. Trong trường hợp bé đang có triệu chứng sốt hoặc nổi ban, việc tiêm vắc xin có thể làm tăng nguy cơ phản ứng phụ và không được khuyến nghị.
– Bé mắc các bệnh liên quan đến tim mạch, rối loạn chức năng gan, thận, các bệnh về máu hoặc những bệnh có diễn biến bất thường thì không nên tiêm vắc xin thủy đậu.
– Bé có tiền sử phản ứng với bất kỳ thành phần nào của vắc xin thủy đậu hoặc có dấu hiệu dị ứng với bất kỳ thành phần nào trong vắc xin thì không nên tiêm lại.
– Bé có tiền sử co giật trước khi tiêm vắc-xin (trong vòng 1 năm trước khi tiêm) cũng không nên tiêm vắc xin thủy đậu.
– Bé đã tiêm chủng các vắc-xin dạng sống khác trong vòng 1 tháng trước khi tiêm vắc-xin thủy đậu (như sởi, quai bị, rubella, lao hay bại liệt – dạng uống). Lý do là bởi việc tiêm nhiều vắc xin dạng sống trong khoảng thời gian gần nhau có thể gây xung đột và không được khuyến nghị.
– Bé bị suy giảm hệ thống miễn dịch thì không nên tiêm vắc xin thủy đậu.
– Bé mắc các bệnh liên quan đến bạch cầu. Vì các bệnh này có thể làm suy giảm miễn dịch của trẻ nên việc tiêm vắc xin thủy đậu là không nên được thực hiện.
Lưu ý rằng, để chắc chắn trẻ có được tiêm vắc xin thủy đậu hay không, bố mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ. Mục đích để đảm bảo rằng việc tiêm phòng là an toàn và phù hợp cho sức khỏe của bé.
4. Các loại vắc xin thủy đậu tiêm cho bé
Ở Việt Nam hiện có 3 loại vắc xin phổ biến dùng để tiêm phòng thủy đậu cho cả trẻ em và người lớn.
4.1. Vắc xin Varivax của Mỹ
Vắc xin Varivax là một loại vắc xin ngừa bệnh thủy đậu xuất xứ từ Mỹ. Đây là một vắc xin dạng đông khô của virus thủy đậu (Varicella) khi còn sống, nhưng đã được giảm độc lực để giảm nguy cơ gây bệnh. Vắc xin Varivax được chỉ định tiêm cho các bé từ 12 tháng trở lên và người lớn chưa từng mắc bệnh thủy đậu.
4.2. Vắc xin Varicella của Hàn Quốc
Vắc xin Varicella cũng là loại vắc xin dạng đông khô chứa vi rút thủy đậu (Varicella) sống đã được giảm độc lực. Sau khi pha với nước hồi chỉnh, vắc xin này sẽ tạo thành dung dịch trong suốt, không màu hoặc có màu vàng nhạt.
Tương tự như vắc xin phòng thủy đậu của Mỹ, vắc xin Varicella cũng được chỉ định tiêm cho các bé trên 12 tháng và người lớn chưa từng mắc bệnh thủy đậu.
3.3. Vắc xin Varilrix của Bỉ
Vắc xin Varilrix đông khô được sản xuất chứa tà chủng Oka sống đã được giảm độc lực của virus varicella-zoster. Vắc xin này được tạo ra bằng phương pháp nhân đôi virus trong môi trường nuôi cấy tế bào lưỡng bội MRC-5, được lấy từ người.
Loại vắc xin ngừa thủy đậu Varilrix được tiêm cho đối tượng trẻ em từ 9 tháng trở lên để tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh thủy đậu.
5. Lịch tiêm thủy đậu cho bé
Khi quyết định tiêm vắc xin phòng thủy đậu cho bé, các bố mẹ nên lựa chọn cơ sở y tế uy tín và tuân thủ đúng theo lịch tiêm được chỉ định bởi bác sĩ. Thông thường, lịch tiêm các vắc xin thủy đậu sẽ áp dụng như sau:
– Nếu bé tiêm vắc xin Varivax của Mỹ hoặc Varicella của Hàn Quốc thì cần tiêm đầy đủ 2 mũi. Mũi tiêm 2 cách mũi tiêm 1 ít nhất 3 tháng, áp dụng với bé từ 12 tháng – 12 tuổi. Riêng các bé từ 13 tuổi thì mũi tiêm 2 cách mũi tiêm 1 ít nhất 1 tháng.
– Nếu tiêm vắc xin Varilrix của Bỉ, các bé cũng cần tiêm đầy đủ 02 mũi. Tuy nhiên, vắc xin này sẽ áp dụng được với bé từ 9 tháng, mũi tiêm 2 phải cách mũi 1 ít nhất là 3 tháng. Riêng các bé từ 13 tuổi thì mũi tiêm số 2 phải đảm bảo cách mũi 1 ít nhất 1 tháng.
Như vậy, bài viết trên đây đã giải đáp chi tiết tới các bố mẹ cách phòng bệnh thủy đậu bằng vắc-xin cho trẻ. Mọi thắc mắc về vắc xin phòng ngừa thủy đậu cho trẻ nhỏ các bố mẹ có thể liên hệ ngay tới Phòng tiêm chủng – BVĐK Tân Dân để được tư vấn tận tình và chi tiết nhé.