Điều trị loét dạ dày tá tràng không hề đơn giản vì có không ít các trường hợp điều trị bệnh kéo dài mãi không khỏi. Để có được kết quả điều trị tốt, chuyên gia khuyến cáo người bệnh viêm loét dạ dày cần được thăm khám và thực hiện chuẩn phác đồ 4 đúng: Chuẩn đoán đúng, dùng đúng thuốc, tuân thủ đúng chỉ định và phòng bệnh đúng cách.
1. Viêm loét dạ dày tá tràng khi nào sẽ cần phải điều trị?
1.1. Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng
Viêm loét dạ dày tá tràng là bệnh lý đường tiêu hóa khi lớp màng bên ngoài dạ dày tá tràng bị bào mòn và để lộ ra phần ruột bên trong. Từ đó, niêm mạc dễ bị kích ứng và gây ra những triệu chứng như đau bụng vùng thượng vị, rối loạn tiêu hóa, khó tiêu, chán ăn, buồn nôn hoặc nôn. Viêm loét dạ dày
Viêm loét dạ dày tá tràng xảy ra do mất cân bằng giữa yếu tố bảo vệ (chất nhầy, niêm mạc dạ dày tá tràng, HCO3) và yếu tố phá hủy niêm mạc (HCl và Pepsin có trong dịch vị dạ dày). Có rất nhiều tác nhân dẫn tới sự mất cân bằng này, bao gồm:
– Nhiễm khuẩn Helicobacter pylori (Đây cũng là nguyên nhân chính gây ra các ổ viêm loét)
– Stress, căng thẳng kéo dài
– Chế độ ăn uống không hợp lý
– Sử dụng nhiều và liên tục các nhóm thuốc kháng viêm không chứa Steroid
– Uống rượu bia, nghiện thuốc lá hoặc sử dụng nhiều các chất kích thích.
1.2. Khi nào cần điều trị viêm loét dạ dày tá tràng?
Khi người bệnh gặp phải các triệu chứng tiêu hóa bất thường hãy chủ động thăm khám và điều trị đúng chỉ định. Viêm loét dạ dày tá tràng nên được tiến hành điều trị càng sớm càng tốt.
Điều trị sớm sẽ đơn giản hơn, tỷ lệ khỏi bệnh cũng cao hơn. Ngược lại, nếu bệnh không được điều trị sớm và đúng cách, các ổ viêm loét dạ dày tá tràng có thể tiến triển thành mãn tính và khó có thể điều trị dứt điểm. Càng để lâu nguy cơ biến chứng bệnh càng cao. Cụ thể, các biến chứng có thể xảy ra như xuất huyết tiêu hóa (chảy máu trong), thủng dạ dày, hẹp môn vị, thậm chí là ung thư dạ dày.
2. Phác đồ 4 đúng điều trị loét dạ dày tá tràng
2.1. Chẩn đoán đúng
Phương pháp giúp chẩn đoán viêm loét dạ dày tá tràng được ưu tiên thực hiện là nội soi dạ dày. Bác sĩ sử dụng một ống soi mềm đầu gắn camera và đèn, xuất phát từ miệng qua thực quản và tới dạ dày. Thông qua nội soi, bác sĩ có thể quan sát toàn bộ bên trong niêm mạc dạ dày thực quản và nhanh chóng phát hiện các bất thường và bệnh lý gặp phải ở đường tiêu hóa trên. Với viêm loét dạ dày có thể xác định đúng vị trí, mức độ loét, biến chứng nếu có và thực hiện sinh thiết khi có nghi ngờ dấu hiệu ung thư.
Bên cạnh đó, nội soi cũng giúp chẩn đoán chính xác về nhiễm khuẩn HP để kết luận về nguyên nhân viêm loét và lên phác đồ điều trị phù hợp.
2.2. Kê đúng thuốc điều trị loét dạ dày tá tràng
Khi đã có chuẩn đoán đúng, xác định rõ nguyên nhân gây viêm loét dạ dày, bác sĩ sẽ lên đơn thuốc điều trị phù hợp. Trường hợp viêm loét dạ dày do nhiễm khuẩn HP sẽ được uống kháng sinh điều trị. Đối với các nguyên nhân viêm loét khác sẽ cần điều trị tăng cường các yếu tố bảo vệ bằng các thuốc băng se niêm mạc và hạn chế các yếu tố phá hủy niêm mạc bằng thuốc kháng tiết acid, thuốc trung hòa axit.
Lưu ý, người bệnh không tự ý kê đơn hay mua thuốc điều trị khi chưa có chỉ định. Việc sử dụng sai thuốc sẽ khiến các ổ viêm loét càng thêm nghiêm trọng và nguy cơ cao gây ra biến chứng.
2.3. Tuân thủ đúng chỉ định điều trị loét dạ dày tá tràng
Tính tuân thủ rất quan trọng và phụ thuộc 100% ở người bệnh. Khi đã có đơn thuốc của bác sĩ, người bệnh cần thực hiện theo đúng các chỉ định được hướng dẫn bao gồm:
– Uống đúng loại thuốc, đúng liều lượng, đúng hướng dẫn sử dụng.
– Không tự ý thay đổi loại thuốc được kê, không tự ý dừng uống thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
– Ngừng sử dụng các loại thuốc kháng viêm, giảm đau. Hoặc tham khảo ý kiến của bác sĩ khi bắt buộc phải sử dụng các loại thuốc này.
– Tuân thủ tái khám theo đúng lịch hẹn với bác sĩ chuyên khoa trước đó.
Một khi người bệnh không tuân thủ đúng các chỉ định điều trị, bệnh rất khó hồi phục tốt hoặc có xu hướng tái phát nhiều lần không khỏi. Vì vậy, yêu cầu tuân thủ là rất cần thiết và quan trọng.
2.4. Phòng bệnh đúng cách
Trên thực tế, người bệnh viêm loét dạ dày tá tràng khi đã được điều trị khỏi thì bệnh vẫn có thể tái phát nếu không phòng bệnh đúng cách. Những biện pháp phòng bệnh được khuyến cáo thực hiện sau đây:
– Thực hiện ăn uống khoa học, ăn đủ bữa đúng giờ, tránh đồ ăn chua cay nóng.
– Không thức khuya, ngủ nghỉ điều độ, tránh căng thẳng quá độ.
– Không hút thuốc lá, hạn chế tối đa uống rượu bia và các đồ uống kích thích khác.
– Khi có các dấu hiệu nghi ngờ bệnh không nên chủ quan mà cần chủ động thăm khám sớm.
3. Chế độ ăn khoa học đặc biệt quan trọng
Chế độ ăn khoa học có tầm ảnh hưởng xuyên suốt cả quá trình điều trị cũng như giúp phòng bệnh tái phát hiệu quả. Người bệnh viêm loét dạ dày tá tràng cần quan tâm và lựa chọn những thực phẩm tốt, kiêng những thực phẩm nên tránh như sau:
Thực phẩm nên ăn:
– Sữa, trứng có tác dụng giúp làm đệm trung hòa axit trong dạ dày.
– Các thực phẩm cung cấp nhiều đạm dễ tiêu như thịt nạc, cá nạc, đạm thực vật,…
– Rau củ quả tươi giúp bổ sung chất xơ và nhiều vitamin.
– Tinh bột từ cơm, bánh mì, hoặc cháo các loại, khoai lang, khoai tây.
– Dầu thực vật như dầu từ hạt hướng dương, dầu vừng, dầu lạc, dầu hạt cải, dầu đậu nành…
– Uống đủ nước mỗi ngày.
Những thực phẩm nên kiêng:
– Thực phẩm chế biến sẵn, có chất bảo quản như lạp sườn, dăm bông, xúc xích,…
– Đồ ăn chiên rán nhất là chiên rán nhiều lần, đồ ăn nhiều mỡ.
– Đồ cay, nóng, đồ ăn chua hoặc gia vị chua.
– Đồ ăn cứng, dai như thịt có gân sụn, rau có nhiều xơ, quả xanh sống,…
– Hạn chế đồ sống muối chua như cà muối, dưa muối, tỏi ớt muối,…
– Uống ít các loại nước có gas, trà đặc, cà phê đặc. Đặc biệt là đồ uống có cồn như bia, rượu cần hạn chế tối đa.
Điều trị loét dạ dày tá tràng cần thực hiện đúng phác đồ 4 đúng: Chẩn đoán đúng, uống đúng thuốc, tuân thủ đúng chỉ định và phòng bệnh đúng cách. Người bệnh cần thực hiện đúng yêu cầu để có hiệu quả điều trị tốt và ngăn ngừa bệnh tái phát.