Viêm cân gan bàn chân là tổn thương cơ xương khớp thường xảy ra sau tuổi 40. Những người thường xuyên chạy bộ hoặc làm các công việc sử dụng nhiều đến gân cơ bàn chân là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh này. Vậy, viêm cân gan bàn chân khi chạy bộ do đâu và cách khắc phục, phòng tránh ra sao?
1. Những người dễ mắc bệnh viêm cân gan bàn chân
Viêm cân gan bàn chân (viêm cân gan chân) là tình trạng rách, sưng, viêm ở dải cơ nối giữa các xương ngón chân với phần xương gót chân. Đây được xem như một “lớp đệm” nâng đỡ, bảo vệ, giúp bàn chân có độ nhún và duy trì độ cong sinh lý, giảm nhẹ trọng lực dồn lên bàn chân và bảo vệ các khớp. Nhờ đó việc vận động, di chuyển và thực hiện các hoạt động thường ngày của con người trở nên dễ dàng hơn.
Tình trạng viêm cân gan chân thường gây sưng tấy, đau nhói ở gót chân, đặc biệt vào buổi sáng sớm khi vừa thức dậy hoặc sau một thời gian dài không di chuyển.
Các đối tượng dễ mắc bệnh viêm cân gan chân bao gồm:
– Người mắc các bệnh lý cơ xương khớp như gout, gai xương,…
– Người từ 40 tuổi trở lên
– Người bị thừa cân, béo phì
– Người đứng quá lâu một tư thế như công nhân, lễ tân
– Người hay di chuyển trên nền cứng hoặc giày cao
– Người thường xuyên tập các bộ môn như chạy bộ, nhảy xa, múa ba-lê…
2. Nguy cơ mắc bệnh viêm cân gan bàn chân ở những người hay chạy bộ
Chạy bộ là phương pháp tập luyện rất được yêu thích hiện nay và đã khẳng định được tác dụng đối với việc rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể lực và phòng tránh bệnh tật. Phong trào chạy bộ trên thế giới và tại Việt Nam cũng ngày càng trở nên mạnh mẽ.
Tuy nhiên một số sai lầm khi tập luyện có thể làm phần cân gan bàn chân bị tổn thương (viêm, rách) và khiến bạn đối mặt với nguy cơ mắc bệnh viêm cân gan chân như:
– Chạy liên tục quá nhiều giờ, tập quá nhiều lần trong ngày
– Chọn giày không phù hợp với việc chạy bộ
– Miếng lót giày quá cứng, không có công dụng ôm và nâng đỡ khiến bạn dễ bị căng cơ khi chạy
– Chạy trên mặt đường quá cứng
– Không khởi động để kéo giãn cơ trước khi chạy hoặc các bài tập khởi động chưa đúng
– Ít quan tâm đến chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt khiến cơ bàn chân không được dẻo dai và làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì
3. Triệu chứng viêm cân gan chân ở những người thường xuyên chạy bộ
Các triệu chứng cơ bản của một người bị viêm cân gan bàn chân bao gồm:
– Đau nhói hoặc ê ẩm ở phần gót chân và/hoặc phần giữa bàn chân, nhiều người mô tả cảm giác đau như giẫm vào sỏi
– Cơn đau thường xảy ra ở một bên chân, kéo dài chứ không xuất hiện đột ngột, dần thuyên giảm khi nghỉ ngơi
– Người bệnh thường chỉ đau ở một bên chân, bàn chân bên bệnh thường phẳng hoặc lõm hơn so với bên lành
– Bầm tím ở gan bàn chân
Nếu bạn là người thường xuyên chạy bộ và có những triệu chứng kể trên thì nên cảnh giác với bệnh viêm cân gan chân. Hãy chủ động thăm khám chuyên khoa Cơ xương khớp sớm để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và điều trị đúng cách.
4. Cách chẩn đoán và điều trị đau gan bàn chân khi chạy bộ
4.1 Chẩn đoán viêm cân gan bàn chân khi chạy bộ
Để điều trị viêm cân gan chân khi chạy bộ, trước hết bạn cần được xác định vị trí, mức độ viêm của cân gan chân bằng cách thăm khám với chuyên gia Cơ xương khớp và thực hiện các chẩn đoán cận lâm sàng. Siêu âm thường là phương pháp được chỉ định đối với các bệnh nhân nghi ngờ bị viêm cân gan chân. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ, làm xét nghiệm máu để loại trừ các nguyên nhân khác.
4.2 Điều trị viêm cân gan bàn chân khi chạy bộ
Dựa vào tình trạng thực tế của bệnh nhân các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Đối với các trường hợp nhẹ, bệnh nhân thường chỉ cần tăng cường nghỉ ngơi, hạn chế tối đa việc đi đứng, chạy bộ hoặc giảm cường độ chạy. Mức độ điều chỉnh tùy thuộc vào mức độ đau nhức của người bệnh. Nên tạm thời dừng chạy ngay nếu có biểu đau khi đang tập luyện.
Bên cạnh đó, các phương pháp như giữ cao chân, chườm đá, ngâm chân có thể giúp làm dịu cơn đau, ngăn ngừa và giảm sưng.
Trong một số trường hợp nặng hơn, các bác sĩ có thể kê một số loại thuốc giảm đau như naproxen sodium, ibuprofen và acetaminophen, giúp giảm sưng, viêm và đau nhức bàn chân. Khi sử dụng các loại thuốc này, bạn cần uống đúng theo đơn và chỉ dẫn của bác sĩ để hạn chế nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ như đau dạ dày, suy gan, suy thận,…
Ngoài ra, dùng đế chỉnh hình y khoa, tiêm Corticosteroids, tiêm huyết tương giàu tiểu cầu, trị liệu thần kinh cột sống, vật lý trị liệu có thể được chỉ định đối với những trường hợp bị viêm cân gan chân.
5. Cách phòng ngừa bệnh viêm cân gan bàn chân khi chạy bộ
Viêm cân gan bàn chân không chỉ gây đau nhức mà còn có thể dẫn đến teo cơ, thoái hóa khớp đầu gối… nếu diễn ra trong thời gian dài. Để ngăn tình trạng này xảy ra, cần thực hiện các biện pháp sau:
– Khởi động kỹ trước khi chạy để kéo giãn cơ
– Chú ý cường độ tập luyện, không chạy quá nhiều giờ trong cùng một ngày
– Có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn sau khi chạy
– Chọn giày và miếng lót giày chuyên dụng để chạy bộ, không sử dụng giày quá cũ
– Chọn địa điểm luyện tập phù hợp, tránh những địa hình quá cứng hoặc quá gồ ghề
– Duy trì chế độ dinh dưỡng phù hợp, sinh hoạt lành mạnh
– Áp dụng các bài tập giúp căng giãn bắp chân và vòm bàn chân, thường xuyên xoa bóp, lăn bàn chân
Tóm lại, chạy bộ là một môn thể thao rất hữu ích, tuy nhiên nếu chạy sai cách và không chú ý đến sự cân bằng giữa luyện tập và nghỉ ngơi thì có thể dẫn tới nhiều hệ lụy đối với sức khỏe, trong đó có tình trạng viêm cân gan bàn chân. Nếu đang có biểu hiện đau bàn chân khi chạy bộ, hãy chủ động thăm khám chuyên khoa Cơ xương khớp để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.