Người bệnh đang bị sốt xuất huyết mà có kinh nguyệt là một tình trạng bệnh khiến nhiều chị em phụ nữ lo lắng. Bài viết dưới dưới đây sẽ giúp bạn đọc có thêm thông tin về nguyên nhân mắc bệnh sốt xuất huyết có tình trạng có kinh nguyệt bất thường, rong kinh.
1. Sốt xuất huyết và triệu chứng điển hình
Sốt xuất huyết gây ra bởi virus sốt xuất huyết lây sang người thông qua vết cắn của loài muỗi Aedes bị nhiễm bệnh. Các triệu chứng nhẹ của bệnh sốt xuất huyết có thể bị nhầm lẫn với các bệnh khác gây sốt, đau nhức hoặc phát ban.
Triệu chứng phổ biến nhất của bệnh sốt xuất huyết là sốt cao kèm theo bất kỳ triệu chứng nào sau đây như: Buồn nôn, nôn mửa, phát ban, đau nhức (đau mắt, đau cơ, đau khớp, đau xương), phát ban, nổi hạch… Các triệu chứng của sốt xuất huyết thường kéo dài từ khoảng 2-7 ngày và hầu hết mọi người sẽ hồi phục sau khoảng 1 tuần đến 10 ngày.
2. Tại sao sốt xuất huyết khiến người bệnh có kinh nguyệt?
2.1 Lý giải tại sao đang bị sốt xuất huyết mà lại có kinh nguyệt bất thường?
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, sốt xuất huyết diễn biến theo 3 giai đoạn là sốt, nguy hiểm và phục hồi. Ở giai đoạn nguy hiểm nghĩa là ngày thứ 3 đến 7 tính từ thời điểm người bệnh có sốt cao, người bệnh có thể gặp tình trạng xuất huyết.
Nguyên nhân dẫn đến biểu hiện này là bởi tiểu cầu của người bệnh giảm, thành mạch bị tổn thương, tăng tính thấm gây thoát huyết tương quá mức dẫn đến sốc giảm thể tích. Do đó người bệnh sẽ bị xuất huyết như: Chảy máu cam, phát ban ngoài da, chảy máu lợi, rong kinh hoặc xuất hiện kinh nguyệt sớm hơn so với chu kỳ thông thường, nghiêm trọng hơn là các trình trạng xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng. Trong đó đang bị sốt xuất huyết mà có kinh nguyệt là một biểu hiện thông thường xảy ra ở nhiều chị em phụ nữ.
2.2 Thận trọng với biến chứng của tình trạng đang bị sốt xuất huyết mà lại có kinh nguyệt hoặc rong kinh
Tuy nhiên, cần phải cảnh giác trước tình trạng kinh nguyệt kéo dài, rong kinh bởi đó có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm, tiểu cầu giảm, nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời người bệnh có nguy cơ xuất huyết ồ ạt, nguy hiểm đến tính mạng.
Kinh nguyệt xuất hiện sớm hơn hoặc kinh nguyệt kéo dài cũng là một trong những tình trạng mà Bộ Y Tế Việt Nam liệt kê vào những trường hợp nên nhập viện điều trị sốt xuất huyết. Bởi nếu không kiểm soát kịp thời người bệnh có thể gặp biến chứng khi điều trị muộn là rong kinh nặng kèm theo tình trạng sốc nặng, giảm tiểu cầu dẫn đến chảy máu, xuất huyết não vô cùng nguy hiểm.
3. Cách giảm tác động của xuất huyết khi mắc sốt xuất huyết
3.1 Kịp thời điều trị tránh biến chứng xấu
Sốt xuất huyết là bệnh lý chưa có thuốc đặc trị để điều trị hay vắc-xin phòng bệnh nên bất cứ khi nhận thấy các triệu chứng của bệnh thì nên đến viện thăm khám sớm để được chẩn đoán và điều trị chính xác bệnh kịp thời. Bệnh nhân có thể được chỉ định nhập viện hoặc hướng dẫn điều trị ngoại trú tại nhà và tái khám theo lịch hẹn. Dù điều trị bằng hình thức nào thì tầm quan trọng của việc theo dõi triệu chứng và dấu hiệu cảnh báo là rất cần thiết. Khi có tình trạng bị sốt xuất huyết mà có kinh nguyệt nên thông báo ngay cho bác sĩ để được theo dõi, kiểm soát.
Người bệnh đang bị sốt xuất huyết mà có kinh nguyệt do giảm tiểu cầu cần được nghỉ ngơi, hạn chế vận động va chạm mạnh gây chảy máu, hạn chế can thiệp các thủ thuật vào tĩnh mạch lớn gây khó khăn trong việc cầm máu.
Việc tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ và điều trị theo đúng chỉ định tùy thuộc vào các triệu chứng do bệnh gây ra sẽ nhanh chóng giúp giảm tác động của bệnh lý đối với chu kỳ kinh nguyệt, hạn chế biến chứng rong kinh nặng.
3.2 Tăng cường sức khỏe cho người bệnh sốt xuất huyết giảm tiểu cầu bằng chế độ dinh dưỡng
Khi mắc sốt xuất huyết người bệnh phải trải qua các giai đoạn bệnh từ ủ bệnh đến phát bệnh và phục hồi, đối mặt với nhiều triệu chứng khiến sức khỏe suy giảm, do vậy một chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất sẽ giúp nâng cao sức khỏe, tăng cường đề kháng cho cơ thể, giúp mau phục hồi.
Đặc biệt người mắc sốt xuất huyết có tình trạng chảy máu âm đạo bất thường hoặc rong kinh do giảm tiểu cầu nên chú ý sử dụng các nhóm thực phẩm nhiều lợi ích sau đây: Tăng cường các thực phẩm chứa vitamin C, A, D, B12, K, Omega-3… để giúp tăng tiểu cầu, hỗ trợ quá trình đông máu, ngăn ngừa tình trạng chảy máu và mất máu.
Một số loại thực phẩm người bệnh có thể tham khảo đó là:
– Các loại rau lá xanh chứa vitamin K: cải thìa, rau chân vịt, cải xoăn, súp lơ…
– Trái cây có múi chứa nhiều vitamin C: cam, bưởi, quýt, chanh…
– Thực phẩm giàu chất sắt như: các loại đậu, thịt đỏ, hạt bí ngô, cá, gày tây…
– Thực phẩm giàu vitamin D: Lòng đỏ trứng, cá ngừ, cá hồi, các sản phẩm từ sữa…
– Thực phẩm giàu folate hỗ trợ và tạo ra các tế bào máu khỏe mạnh gồm: Đậu, nước cam, bí ngô, củ cải đỏ, nước dừa, trà xanh…
3.3 Một số lưu ý khác
Bên cạnh chế độ ăn giúp tăng tiểu cầu, thì người bệnh cũng nên chú ý uống nhiều nước, nước điện giải, sử dụng chế độ ăn nhiều calo để giúp cơ thể lấy lại năng lượng bị làm suy yếu do virus.
Trong quá trình nhiễm bệnh, bạn cũng nên chế biến thức ăn dưới dạng dễ tiêu hóa, ăn thành nhiều bữa để cơ thể được hấp thu tốt hơn, quá trình nạp thức ăn không bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, người bệnh cũng nên tránh sử dụng đồ ăn nhiều chất béo, thức ăn cay, thức uống có cồn, thức uống chứa caffein…