Xơ gan nếu không được điều trị kịp thời và hiệu quả dễ biến chứng ung thư gan. Cùng tìm hiểu bệnh học xơ gan từ nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị.
1. Hiểu về bệnh học xơ gan
Xơ gan là hậu quả nhiều bệnh lý mạn tính gây ra, trong đó điển hình nhất như là gan nhiễm mỡ, viêm gan do virus B, C,…
Đây là quá trình tổn thương lan tỏa ở gan, theo đó mô gan bình thường (tế bào gan khỏe mạnh) sẽ được thay thế bởi mô xơ hóa (sợi xơ) và những nốt tái tạo, làm suy giảm dần chức năng gan.
2. Nguyên nhân
Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới xơ gan, trong đó có thể kể đến một số nguyên nhân thường gặp như:
– Viêm gan virus B, C
– Bệnh gan do rượu
– Viêm gan thoái mỡ không do rượu
– Viêm gan tự miễn
– Xơ gan ứ mật nguyên phát
– Ứ sắt, ứ đồng
– Suy tim phải mạn tính
– Hội chứng Budd-Chiari
3. Chẩn đoán bệnh học xơ gan bằng cách nào?
3.1 Chẩn đoán lâm sàng
Đầu tiên bác sĩ sẽ khám lâm sàng (khám ban đầu), căn cứ vào những dấu hiệu của người bệnh xem người bệnh có các biểu hiện như sau không: mệt mỏi, sụt cân, biếng ăn, sốt nhẹ, teo cơ, phù chi, xuất huyết da, vàng da, lách to.
Sau đó, bác sĩ sẽ khai thác tiền sử của người bệnh xem có bị vàng da, nghiện rượu, viêm gan, sử dụng thuốc hay mắc bệnh di truyền nào không.
Sau khi căn cứ vào các triệu chứng lâm sàng, triệu chứng cơ năng, tiền sử, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán cận lâm sàng phù hợp.
3.2 Chẩn đoán cận lâm sàng
Xét nghiệm huyết học để đánh giá chỉ số hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu; các chỉ số đông máu; sinh hóa máu (đo đường huyết, chỉ số bilirubin, phosphatase kiềm, chỉ số GGT, albumin, chỉ số AST, chỉ số ALT).
Kiểm tra dịch màng bụng
Các xét nghiệm miễn dịch như HbsAg, anti HCV, Kháng thể tự miễn.
Siêu âm bụng để đánh giá tình trạng gan (có to hay không hoặc teo), bờ gan có đều không, cấu trúc thô hay không, độ phản âm dày hoặc kém, lách có to không, báng bụng, có xuất huyết khối tĩnh mạch cửa không.
Chụp cắt lớp vi tính CT scan giúp chẩn đoán xơ gan, u gan, huyết khối tĩnh mạch cửa,…
Sinh thiết gan: đây được xem là phương pháp chẩn đoán xơ gan chính xác hay còn gọi là “tiêu chuẩn vàng” để chẩn đoán tình trạng xơ gan. Trên phim chụp cắt lớp vi tính CT-scan gan có thể thấy hình ảnh cấu trúc gan đảo lộn, nốt tăng sinh, các tổ chức gan phát triển từ khoảng cửa và xâm nhập vào tế bào gan.
Chẩn đoán xác định: dựa vào tiền sử (có bệnh gan mạn tính gây tổn thương gan kéo dài không), trên lâm sàng có biểu hiện của hội chứng suy tế bào gan, tăng áp tĩnh mạch cửa hay không. Siêu âm ổ bụng, sinh thiết gan.
4. Điều trị bệnh xơ gan
4.1 Nguyên tắc bệnh học xơ gan
Điều trị nhằm mục đích giúp làm chậm tổn thương gan, ngăn ngừa biến chứng nặng hơn (ung thư gan) và chờ ghép gan (nếu có thể). Nếu xơ gan nặng, không có phương pháp nào có thể chữa lành xơ gan.
Việc điều trị cần phải phụ thuộc vào nguyên nhân gây xơ gan là gì.
4.2 Phương pháp điều trị bệnh học xơ gan
– Viêm gan do virus thì dùng thuốc kháng virus B hoặc C. Vừa kết hợp điều trị giảm nhẹ tình trạng xơ gan vừa phải kiểm soát tải lượng virus B, C hiệu quả.
– Viêm gan tự miễn thì sử dụng thuốc corticoid kết hợp với azathioprine.
– Do rượu cần ngưng uống rượu.
– Bệnh Wilson thì cần phải điều trị bằng trientine kết hợp với kẽm.
Ngoài ra, cần kết hợp với biện pháp điều trị hỗ trợ như:
– Không uống rượu và hạn chế hút thuốc lá
– Tập thể dục thường xuyên và thay đổi lối sống để chống dư cân béo phì.
– Tiêm phòng vắc xin viêm gan siêu vi: A, B, cúm.
– Tránh dùng các thuốc có hại cho gan như NSAIDs, isoniazid, valproic acid, erythromycin, kháng sinh nhóm aminoglycoside, ketoconazole, chlorpromazine, acetaminophen liều cao. Kể cả các loại thực phẩm chức năng cũng cần phải sử dụng hợp lý, tuân theo chỉ định của bác sĩ, tránh lạm dụng thuốc.
– Chế độ dinh dưỡng khoa học: cần ăn uống điều độ, không ăn quá nhiều đạm động vật, nên dùng chất béo chưa bão hòa, trái cây, rau quả.
– Tránh để táo bón.
– Có thể dùng thêm một số thực phẩm hỗ trợ chức năng gan nhưng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.
5. Theo dõi và tái khám bệnh học xơ gan
Cần tuân thủ theo dõi và tái khám với một số chỉ định cận lâm sàng như sau:
– Xét nghiệm: công thức máu, đánh giá chức năng gan thận mỗi 3 tháng nếu tình trạng bệnh ổn định.
– Siêu âm bụng mỗi 6 tháng/lần để phát hiện ung thư tế bào gan.
– Nội soi thực quản dạ dày:
+ Nếu không dãn tĩnh mạch thực quản: nội soi lại sau 2 năm.
+ Nếu có dãn tĩnh mạch thực quản: điều trị phòng ngừa xuất huyết, tái khám theo hẹn.
– Chụp cắt lớp vi tính CT scan hoặc chụp cộng hưởng từ theo chỉ định của bác sĩ dựa trên kết quả siêu âm gan và tình trạng sức khỏe cũng như diễn biến của bệnh.