Tai biến mạch máu não để lại nhiều di chứng nặng nề cho người bệnh, trong đó liệt nửa người ảnh hưởng đến khả năng vận động là một biến chứng phổ biến. Việc áp dụng các bài tập vật lý trị liệu tai biến mạch máu não sẽ giúp người bệnh phục hồi chức năng cơ bản để có thể trở lại sinh hoạt và làm việc.
1. Đánh giá khả năng phục hồi sau tai biến mạch máu não
1.1 Tai biến mạch máu não gây ra di chứng gì?
Tai biến mạch máu não (đột quỵ não) là một trong những căn bệnh nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong. Hơn nữa, khoảng 80% người sống sót sau đột quỵ não gặp các di chứng tàn tật từ mức độ nhẹ đến nặng như: Liệt nửa người, rối loạn cảm xúc, rối loạn ngôn ngữ, mất thị giác…
Lý do dẫn đến những di chứng này xuất phát từ hệ lụy của phần não bị tổn thương, các tế bào tại đó chết đi do nguồn máu cung cấp lên não bị gián đoạn do tắc nghẽn hoặc vỡ mạch máu.
Trường hợp bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời trong giờ vàng thì nguy cơ đối mặt với tử vong tương đối cao. Tại Việt Nam, rất ít trường hợp đến bệnh viện trong 6 giờ đầu – thời gian vàng để có thể cứu sống người bị đột quỵ não. Nếu quá thời gian này dù được cứu sống sau đó, người bệnh cũng sẽ phải chịu những di chứng nặng nề do tai biến mạch máu não để lại. Vậy nên cấp cứu càng sớm, người bệnh càng có cơ hội phục hồi cao, hạn chế đối mặt với di chứng theo suốt đời.
1.2 Khả năng phục sau tai biến ra sao?
Mức độ của các di chứng phụ thuộc vào vị trí, kích thước của khu vực não bị tổn thương và thời gian được cấp cứu sau cơn đột quỵ não xảy ra.
Theo đó, khả năng phục hồi cũng sẽ khác nhau tùy thuộc vào mức độ bệnh khác nhau, tuổi tác, tình trạng sức khỏe chung, tâm lý. Quá trình phục hồi của mỗi người bệnh sẽ khác nhau. Thông thường bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân sẽ đánh giá và xây dựng mục tiêu hồi phục chức năng phù hợp với mức độ tổn thương gặp phải.
2. Vật lý trị liệu – Giải pháp giúp phục hồi sau đột quỵ não
2.1 Mục đích của vật lý trị liệu tai biến mạch máu não
Việc áp dụng các bài tập vật lý trị liệu là rất cần thiết và hữu ích cho người bệnh đột quỵ não bởi:
– Hạn chế các bệnh lý thứ phát và tàn tật thứ phát như: biến chứng hô hấp, nhiễm trùng đường tiểu, loét, teo, cứng cơ và khớp…
– Giúp người bệnh có thể tự di chuyển và đi lại trong khả năng cho phép.
– Giúp người bệnh có thể tự thực hiện được các hoạt động sinh hoạt cá nhân như: Đánh răng, rửa mặt, tắm rửa, vệ sinh, mặc đồ…
– Giúp người bệnh dần thích nghi với các di chứng còn lại, và theo suốt đời.
– Giúp người bệnh có thể trở lại thực hiện công việc như trước hoặc có thể làm các công việc mới phù hợp với sức khỏe hiện tại.
2.2 Các bài tập vật lý trị liệu theo từng giai đoạn sau tai biến mạch máu não
Liệt nửa người là một trong những hậu quả thường gặp của các khuyết tật sau đột quỵ não xảy ra. Do đó, khả năng vận động thường là chức năng được chú trọng phục hồi. Tuy nhiên, gần đây các chuyên gia y tế đã quan tâm nhiều hơn đến các tổn thương về ngôn ngữ, cảm xúc để nâng cao chất lượng cuộc sống toàn diện cho người bệnh sau tai biến.
Phục hồi chức năng bằng các bài tập vật lý trị liệu được thực hiện càng sớm và đúng kỹ thuật thì khả năng phục hồi càng cao.
Các bài tập ở giai đoạn cơ thể chưa cử động lại được
Ở giai đoạn này, khi cơ thể người bệnh chưa thể tự cử động lại được, bệnh nhân sẽ được bác sĩ hướng dẫn các tư thế nằm, ngồi và sinh hoạt để tránh có thêm những tổn thương.
– Tập tư thế nằm gồm: Tập tư thế nằm ngửa, tập tư thế nằm nghiêng bên liệt, tập tư thế nằm nghiêng bên lành. Bệnh nhân cần nằm theo đúng tư thế bác sĩ hướng dẫn để giảm bớt co cứng và đề phòng khớp biến dạng.
– Tập sinh hoạt hàng ngày cho người bệnh: Thay quần áo, mặc quần áo, cài khuy, buộc dây giày, di chuyển từ giường sang ghế/ xe lăn và ngược lại.
– Tập đứng dậy: Dùng nạng để đứng dậy, trường hợp người bệnh không tự đứng dậy được người nhà cần thực hiện động tác hỗ trợ. Lưu ý để người bệnh đứng dậy dồn trọng lượng đều vào cả 2 chân, tránh để người bệnh đứng lên bằng bên chân lành.
– Tập đứng thăng bằng.
– Tập các động tác nâng hông, đưa hai tay lên phía đầu.
Các bài tập ở giai đoạn người bệnh bắt đầu cử động trở lại
Ở giai đoạn này, khi người bệnh bắt đầu cử động trở lại được thì các bài tập vật lý trị liệu đòi hỏi người bệnh vận động nhiều, tập trung đến các động tác kéo giãn và tăng sức mạnh cơ, giúp hỗ trợ phục hồi tổn thương.
– Tập ức chế lực cơ tay, cơ chân, tập gấp háng, tập duỗi gối.
– Tập các cơ ở tay.
– Tập vai bên bị liệt.
– Tập kéo giãn cổ tay bên bị liệt.
– Tập kéo giãn cổ chân.
2.3 Tuân thủ nguyên tắc tập vật lý trị liệu trong tai biến mạch máu não
Để quá trình hồi phục đạt hiệu quả, người bệnh cần chú ý tuân thủ một số nguyên tắc tập vật lý trị liệu tai biến mạch máu não bao gồm:
– Nên bắt đầu tập sớm khi bệnh đã được kiểm soát ổn định.
– Tập luyện trong khả năng và nhờ hỗ trợ khi cần thiết. Tùy theo khả năng phục hồi mà người nhà có thể giảm bớt mức độ trợ giúp để người bệnh có thể chủ động hơn.
– Sau khi bệnh đã ổn định, bệnh nhân nên kiên trì tập luyện, tập những bài tập với các tư thế và vị trí khác nhau và nâng dần mức độ từ đơn giản đến phức tạp.
– Sau khi xuất viện người bệnh cũng cần được tiếp tục thực hiện phục hồi chức năng tại nhà để tái hòa nhập cộng đồng nhanh chóng.
– Ngoài ra, khi nhận thấy sức khỏe có vấn đề, điển hình là huyết áp cao, đái tháo đường, mỡ máu, nhịp tim nhanh… thì bạn cần đến bệnh viện kiểm tra để được kiểm soát, tránh đối mặt với đột quỵ tái phát.
Trên đây là các thông tin về thực hiện vật lý trị liệu cho người bệnh bị đột quỵ não/ tai biến mạch máu não. Người bệnh nên thực hiện và tuân thủ đúng các bài tập theo bác sĩ khuyến cáo để đạt hiệu quả toàn diện và phục hồi nhanh chóng hơn.