Vắc xin và tiêm chủng là một trong những thành tựu y học quan trọng của nhân loại, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ của con người. Theo Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, đến nay, đã có khoảng 30 bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh và gần 200 quốc gia/vùng lãnh thổ đưa vắc xin vào sử dụng phổ cập cho người dân.
1. Tầm quan trọng của vắc xin hay tiêm chủng
Việc nhà khoa học Edward Jenner phát minh ra vắc xin vào năm 1796 là một trong những thành tựu y học vĩ đại nhất của nhân loại. Vắc xin đã giúp loài người có được một phương pháp phòng bệnh truyền nhiễm hiệu quả, an toàn và kinh tế.
Trước khi vắc xin ra đời, các bệnh truyền nhiễm như sởi, đậu mùa, tả,… là những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho con người. Theo ước tính, trong thế kỷ 18, bệnh đậu mùa đã cướp đi sinh mạng của khoảng 300 triệu người. Tuy nhiên, chỉ sau vài thập kỷ triển khai tiêm ngừa vắc xin đậu mùa, bệnh này đã được xóa sổ hoàn toàn. Cùng với vắc xin đậu mùa, hàng loạt các loại vắc xin khác cũng đã được phát triển và ứng dụng thành công, góp phần giảm thiểu đáng kể tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh truyền nhiễm. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vắc xin đã giúp cứu sống hàng triệu trẻ em mỗi năm.
1.1. Lợi ích của tiêm chủng
Tiêm chủng là phương pháp sử dụng vắc xin để kích thích cơ thể sản sinh miễn dịch đặc hiệu chống lại một bệnh truyền nhiễm. Đến nay, đã có khoảng 30 bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh và gần 200 quốc gia/vùng lãnh thổ đưa vắc xin vào sử dụng phổ cập cho người dân. Tiêm ngừa có vai trò rất lớn đối với toàn xã hội, cụ thể như sau:
– Chủ động phòng bệnh hiệu quả
Theo bài đưa tin trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế về vai trò của Vắc xin và tiêm chủng, khoảng 95% người được tiêm chủng sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ bản thân khỏi bệnh truyền nhiễm. Người được tiêm chủng sẽ không bị mắc bệnh, từ đó không bị tử vong hoặc để lại di chứng do bệnh gây ra. Nhờ có vắc xin, hàng năm thế giới đã cứu sống được khoảng 2.5 triệu trẻ em trước sự đe dọa của bệnh truyền nhiễm. Vắc xin và tiêm chủng là những công cụ quan trọng giúp đạt được mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ về giảm tỷ lệ tử vong cho trẻ dưới 5 tuổi trên toàn thế giới.
– Góp phần cải thiện, phát triển nguồn nhân lực
Tiêm chủng giúp trẻ em được bảo vệ khỏi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như sởi, rubella, viêm não Nhật Bản,… Nhờ vậy, trẻ có thể phát triển khỏe mạnh cả về thể chất và trí tuệ, góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai.
Ngoài ra tiêm chủng giúp giảm thiểu chi phí điều trị bệnh truyền nhiễm, bao gồm chi phí khám chữa bệnh, thuốc men, chăm sóc sức khỏe,… Điều này giúp tiết kiệm nguồn lực cho xã hội, có thể được sử dụng để đầu tư vào các lĩnh vực khác như giáo dục, đào tạo,… Không chỉ vậy về lâu dài, người được tiêm chủng khỏe mạnh, không bị mắc bệnh truyền nhiễm, từ đó có thể làm việc hiệu quả hơn, góp phần nâng cao năng suất lao động. Điều này giúp tăng trưởng kinh tế, tạo ra nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
1.2. Những thành tựu của vắc xin và tiêm chủng trên toàn thế giới
Cũng theo số liệu của Bộ Y tế, vắc xin đã giúp giảm thiểu đáng kể tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm:
– Bệnh đậu mùa: Trước khi có vắc xin, bệnh đậu mùa là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho con người, cướp đi sinh mạng của khoảng 2 triệu người mỗi năm. Nhờ có vắc xin, bệnh đậu mùa đã được xóa sổ hoàn toàn vào năm 1979.
– Bệnh bại liệt: Mắc bại liệt đồng nghĩa với liệt cứng, tàn tật và thậm chí tử vong. Nhờ có vắc xin, số ca mắc bệnh bại liệt đã giảm từ trên 300.000 ca mỗi năm xuống chỉ còn 358 ca vào năm 2014.
– Uốn ván sơ sinh: Uốn ván sơ sinh là một bệnh nhiễm trùng nguy hiểm có thể gây tử vong cho trẻ sơ sinh. Nhờ có vắc xin, 2/3 số nước đang phát triển đã loại trừ được uốn ván sơ sinh.
– Sởi: Sởi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể gây tử vong cho trẻ em. Nhờ có vắc xin, số trường hợp tử vong do sởi đã giảm từ 2,6 triệu ca mỗi năm xuống còn 122.000 ca vào năm 2012.
– Ho gà: Số ca tử vong liên quan đến ho gà đã giảm từ 1,3 triệu ca mỗi năm xuống còn 63.000 ca vào năm 2013.
– Bạch hầu: Số ca mắc bệnh bạch hầu đã giảm từ 80.000 ca năm 1975 xuống còn dưới 10.000 ca như hiện nay.
– Viêm màng não do Hib: Tỷ lệ mắc bệnh viêm màng não do Hib ở châu Âu đã giảm 90% trong 10 năm.
Vắc xin mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho xã hội:
– WHO ước tính việc thanh toán bệnh bại liệt đã giúp chính phủ các quốc gia tiết kiệm được 1.5 tỷ USD mỗi năm cho chi phí điều trị cũng như phục hồi chức năng.
– Việc giải quyết bệnh đậu mùa giúp tiết kiệm 275 triệu USD mỗi năm với chi phí chăm sóc y tế trực tiếp.
2. Phản ứng phụ và thực hư vấn đề tai biến sau tiêm chủng
Thực tế triển khai TCMR trong hơn 30 năm qua tại Việt Nam với hơn 600 triệu mũi tiêm chỉ ghi nhận khoảng 1.000 trường hợp tai biến nặng sau tiêm, trong đó chỉ có 10 trường hợp tử vong đủ để chứng minh tính an toàn của vắc xin.
Tuy nhiên, giống như thuốc, không có loại vắc xin nào đảm bảo an toàn tuyệt đối. Thông thường, các phản ứng phụ của vắc xin thường nhẹ và tự khỏi trong vòng 24 giờ, chẳng hạn như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm. Tuy nhiên, một số trường hợp cực kỳ hiếm gặp có thể xảy ra các phản ứng nặng hơn, thậm chí đe dọa tính mạng, chẳng hạn như sốc phản vệ.
Nguyên nhân của các phản ứng phụ vắc xin thường do cơ địa của từng người. Ví dụ, một số trẻ có thể bị dị ứng với một trong các thành phần của vắc xin, dẫn đến phản ứng dị ứng. Một số trẻ khác có thể có hệ miễn dịch nhạy cảm hơn, dẫn đến phản ứng mạnh hơn với vắc xin. Do đó, dù tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả, nhưng cha mẹ vẫn cần lưu ý theo dõi sức khỏe của trẻ sau tiêm để kịp thời phát hiện và xử lý các phản ứng phụ nếu có.
3. Nguy cơ bệnh tật rình rập khi trẻ không được tiêm hoặc tiêm chủng muộn
Để chủ động phòng bệnh hiệu quả, trẻ em cần tiêm vắc xin đầy đủ và đúng lịch. Nếu trẻ không được tiêm, tiêm không đầy đủ hoặc tiêm muộn sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh do không có miễn dịch bảo vệ. Thực tế chỉ ra trong quá trình thực hiện tiêm chủng tại các địa phương, một số thời điểm tỷ lệ tiêm chủng thấp và dịch bệnh nghiêm trọng đã xảy ra cướp đi sinh mạng rất nhiều trẻ em. Điều này chứng minh nếu trẻ không được tiêm ngừa đúng theo khuyến cáo thì nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại là rất lớn, gây nguy hiểm cho sức khỏe của chính con trẻ lẫn cộng đồng.
Vì vậy, các bậc cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đây là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi cha mẹ đối với con em mình, cũng là trách nhiệm đối với cộng đồng và toàn xã hội.