Rách sụn chêm khớp gối là dạng chấn thương gối phổ biến khi chơi thể thao, bị ngã hoặc bị tai nạn giao thông. Rách sụn chêm gây ra nhiều ảnh hưởng tới vận động và sinh hoạt hằng ngày. Vậy chấn thương này có thể hồi phục tốt được không, cùng tìm hiểu ngay.
1. Rách sụn chêm là gì?
1.1. Vị trí, cấu tạo, đặc điểm của sụn chêm
Sụn chêm nằm trong khớp gối. Khớp gối là một khớp phức hợp rất quan trọng được cấu tạo bởi 3 loại xương là xương bánh chè, đầu trên của xương chầy và đầu dưới của xương đùi. Sụn chêm là tấm đệm lót nằm ở vị trí giữa đầu trên của xương chầy và đầu dưới của xương đùi.
Sụn chêm gồm 2 tấm:
– Tấm trong nằm ở phía trong khớp, hình chữ C
– Tấm ngoài nằm ở phía ngoài khớp, hình chữ O
Sụn chêm chia thành 3 phần gồm: sừng trước, thân giữa và sừng sau. Sụn chêm có 2 bờ là bờ bao khớp bám trực tiếp vào bao khớp và bờ tự do. Đặc điểm của sụn chêm là dai, có tính đàn hồi cao.
1.2. Vai trò của sụn chêm
Khớp gối là bộ phận chịu toàn bộ tải trọng của cơ thể nên đây là nơi cần có khả năng chịu lực lớn và tốt. Sụn chêm đóng vai trò quan trọng tạo nên sự vững chắc của khớp gối. Theo đó, vai trò chính của sụn chêm là:
– Giúp phân phối đều lực lên vùng khớp gối;
– Giúp khớp gối được vững chắc hơn;
– Giúp hấp thụ lực tốt nhờ đó giảm xóc cho cơ thể mỗi khi di chuyển nhất là ở những trường hợp vận động mạnh, tập thể thao;
– Giúp phân bố đều hoạt dịch bôi trơn và dinh dưỡng sụn khớp. Điều này đảm bảo cho khớp gối luôn hoạt động ổn định;
– Tránh cho phần bao khớp và màng hoạt dịch không bị mắc kẹt vào khe khớp.
Theo đó, việc rách sụn chêm khớp gối sẽ gây đau và ảnh hưởng rất lớn tới khả năng đi lại, vận động, hoạt động thường ngày của người bệnh.
2. Rách sụn chêm khớp gối có thể được hồi phục tốt không?
Rách sụn chêm có thể được hồi phục, mức độ hồi phục sẽ phụ thuộc nhiều ở vị trí rách sụn, cụ thể:
– Rách sụn ở vị trí 1/3 ngoài: Đây là vị trí được cung cấp máu tốt nên việc hồi phục sẽ dễ dàng và nhanh chóng hơn. Nếu vết rách sụn chêm nhỏ thì có thể tự liền, nếu vết rách lớn sẽ cần thực hiện khâu sụn bằng phương pháp nội soi.
– Rách sụn ở vị trí 2/3 trong: Đây là vị trí khó liền thường và khó hồi phục do lượng máu cung cấp kém, nuôi dưỡng kém. Trường hợp này, người bệnh nên cân nhắc thực hiện phẫu thuật để điều trị tốt phần sụn chêm khớp gối bị rách.
– Rách sụn ở vị trí 1/3 trong: Đây là dạng rách đặc biệt nhất vì hầu hết các tổn thương rất khó hoặc không thể liền. Lúc này sẽ cần phải điều trị bằng cách cắt bỏ toàn phần sụn rách qua nội soi.
Bên cạnh đó, khả năng hồi phục còn phục thuộc vào hiệu quả của phương pháp điều trị được thực hiện. Vì vậy, việc chẩn đoán đúng và tiến hành điều trị hiệu quả là rất quan trọng.
3. Chẩn đoán rách sụn chêm
Để chẩn đoán đúng về rách sụn chêm, bác sĩ sẽ thực khám lâm sàng để nhận biết các triệu chứng và chỉ định thực hiện các chẩn đoán hình ảnh cần thiết.
3.1. Khám lâm sàng
Trong rất nhiều trường hợp khi gặp chấn thương, khi sụn chêm vừa mới rách, người bệnh vẫn có thể đi lại, vận động bình thường, thậm chí là tập luyện thể thao. Cơn đau sẽ bắt đầu xuất hiện sau khoảng 2-3 ngày, đầu gối sưng dần lên và vận động khó khăn kèm theo những dấu hiệu điển hình như sau:
– Có tiếng “nổ” khi rách sụn
– Đầu gối đau và sưng
– Khớp gối bị kẹt
– Gặp khó khăn khi đi lại, vận động và cảm giác có tiếng lục cục ở trong khớp
– Khó co duỗi khớp gối
– Cảm thấy bị đau nhức nhiều hơn mỗi khi ấn vào khe khớp gối.
3.2. Làm các chẩn đoán hình ảnh rách sụn chêm khớp gối
Sau quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện các phương pháp chẩn đoán hình ảnh cần thiết nhằm đánh giá chi tiết về tình trạng bệnh. Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh cho giá trị chẩn đoán cao gồm có:
– Chụp Xquang: Quan sát tổng quan hình ảnh khớp gối, đánh giá tình trạng của xương khớp gối và sụn chêm.
– Chụp cộng hưởng từ MRI: Cho kết quả hình ảnh các khớp gối và phần sụn chêm chi tiết hơn về vị trí, tình trạng rách. Từ đó mang lại giá trị chẩn đoán cao.
– Nội soi khớp gối: Quan sát khớp gối và nắm bắt được mức độ rách của sụn chêm cùng tình trạng của các bộ phận cấu tạo khớp gối. Ngoài giá trị chẩn đoán, nội soi khớp gối còn có thể thực hiện điều trị trong trường hợp cần thiết.
Người bệnh cần chủ động thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được khám lâm sàng, thực hiện chỉ định cận lâm sàng để chẩn đoán đúng về bệnh.
4. Chỉ định điều trị các trường hợp rách sụn chêm khớp gối
Người bệnh khi đã có chẩn đoán chính xác về tình trạng rách sụn, bác sĩ sẽ đánh giá về mức độ tổn thương và lên phương án chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Hiện nay, điều trị rách sụn chêm được thực hiện theo 2 phương pháp là điều trị bảo tồn không phẫu thuật và điều trị phẫu thuật.
4.1. Điều trị bảo tồn không phẫu thuật
Điều trị không phẫu thuật được áp dụng đối với những trường hợp phần sụn chêm bị rách nhỏ, không gây đau và ít ảnh hưởng tới khả năng đi lại, vận động.
Thông thường, lựa chọn chính trong điều trị bảo tồn là sử dụng các loại thuốc chống viêm, thuốc chống sưng, thuốc giảm phù nề,… kết hợp với việc chườm đá, nghỉ ngơi, băng chun gối và hạn chế vận động.
4.2. Phẫu thuật điều trị vùng rách sụn chêm khớp gối
Điều trị sụn chêm bằng phẫu thuật có thể được thực hiện phẫu thuật mổ mở hoặc mổ nội soi gồm các trường hợp:
– Khâu sụn chêm.
– Ghép sụn chêm.
– Cắt sụn: cắt toàn bộ sụn chêm hoặc cắt một phần sụn chêm.
Phương pháp điều trị rách sụn chêm khớp gối cụ thể sẽ được bác sĩ chỉ định và thực hiện sau quá trình thăm khám và chẩn đoán. Dù ở phương pháp nào, người bệnh cũng cần ưu tiên hạn chế vận động để vết rách nhanh hồi phục. Sau khi sụn chêm có dấu hiệu hồi phục, người bệnh bắt đầu tập phục hồi chức năng, vận động nhẹ nhàng để chống teo cơ, để khớp gối dần trở lại hoạt động bình thường.